Ngày 27/9, tại Geneve, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Trao đổi về kết quả của phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, phiên họp này là kết quả của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ Việt Nam, ngay sau phiên đối thoại vào tháng 5/2024.
Việt Nam đã tiến hành rà soát 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, Việt Nam đã chấp thuận 271 khuyến nghị, đạt tỷ lệ 84,7% - mức cao nhất trong cả 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cơ chế UPR và quyết tâm bảo vệ, thúc đẩy quyền con người.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, phiên họp đã thu hút sự tham gia của khoảng 90 quốc gia và tổ chức quốc tế, với phần lớn ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực và cam kết của Việt Nam.
Đoàn Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam, đồng thời phản bác những thông tin sai lệch, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng từ một số ít tổ chức phi chính phủ.
Việt Nam khẳng định luôn tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật; khẳng định việc thực hiện các quyền con người cũng cần dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân, cộng đồng, vì sự ổn định và thịnh vượng của cả đất nước; nhấn mạnh quyết tâm không khoan nhượng trước những hành động lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, gây bất ổn.
Thứ trưởng Ngoại giao cho biết, một điểm đặc biệt trong phiên họp là tình cảm đoàn kết của cộng đồng quốc tế khi nhiều đại biểu bày tỏ sự chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra, bày tỏ tin tưởng rằng với những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả và tiếp tục ổn định đời sống, phát triển kinh tế.
Các đại biểu quốc tế cũng đánh giá cao quá trình đối thoại UPR của Việt Nam trong năm 2024, năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneva, coi đây là nền tảng lịch sử quan trọng cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam.
Các nước hoan nghênh Việt Nam đã chấp thuận một số lượng lớn các khuyến nghị, thể hiện cam kết mạnh mẽ với tiến trình UPR và công tác bảo vệ quyền con người.
Việt Nam cũng được đánh giá cao về những thành tựu trong phát triển bền vững, giảm nghèo đa chiều, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Một số quốc gia đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tham gia UPR với các nước khác.
Các ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan và cũng rất sát với thực tế ở Việt Nam cho thấy các đối tác quốc tế có sự quan tâm tích cực, hiểu biết sâu sắc với thông tin được cập nhật đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và quá trình phát triển ở Việt Nam, cũng như thể hiện vị thế, uy tín quốc tế của chúng ta tại các diễn đàn đa phương. Đây là điểm chúng ta cần tiếp tục bồi đắp, phát huy trong thời gian tới - Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền trong tình hình mới
Về các bước tiếp theo, Thứ trưởng Ngoại giao cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua Kế hoạch tổng thể triển khai 271 khuyến nghị đã chấp thuận, với sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành.
Chính phủ cũng sẽ tiến hành kiểm điểm giữa kỳ để đánh giá tiến độ thực hiện, đồng thời tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế để có thêm nguồn lực thực hiện tốt các khuyến nghị.