Chương trình khai hội được tổ chức ngày 11/4 (3/3 âm lịch), với nghi lễ dâng hương và các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian tại các di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy.
Trong các ngày tiếp theo đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn; lễ rước Mẫu thỉnh Kinh; tổ chức thi đấu cờ người; hội kéo chữ (Hoa trượng hội) với các bộ chữ “Quốc thái dân an” và “Thiên hạ thái bình”.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa tâm linh, nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hầu đồng, hát văn, múa lân-sư-rồng…
Múa rồng tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2024. (Ảnh: TRƯỜNG HUY) |
Trong các ngày diễn ra lễ hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, y tế... được tổ chức thực hiện bài bản; do đó, Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 diễn ra an toàn.
Lễ hội Phủ Dầy và quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy tiếp tục được tôn vinh, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa dân gian cổ truyền dân tộc.
Lễ hội Phủ Dầy là một trong 5 lễ hội tín ngưỡng truyền thống lớn của cả nước, gắn với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh-một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với Lễ hội, quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy gồm hơn 20 đền, đình, chùa, lăng, miếu, phủ; trong đó trung tâm là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh, mang những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.