Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với Di tích LSVH Phủ Dầy ở xã Kim Thái (Vụ Bản, Nam Định) nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lấy hình tượng Mẫu (Mẹ) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung che chở trong cuộc sống.
Với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú độc đáo như nghi lễ chầu văn, rước thỉnh kinh, Hoa trượng hội, lễ hội đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc về đời sống văn hóa, tinh thần của làng quê Việt Nam.
Ngày 9- 9- 2013, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã công nhận năm Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có Lễ hội Phủ Dầy.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Phạm Văn Quyết trao Bằng chứng nhận “Lễ hội Phủ Dầy là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho thủ nhang, đồng đền của 18 di tích trong Quần thể Di tích LSVH Phủ Dầy.
Ông Phạm Văn Quyết nhấn mạnh, việc đưa Lễ hội Phủ Dầy vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia góp phần làm tăng thêm trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thủ nhang, đồng đền ở Nam Định nói chung và những nơi có Di tích LSVH, trong đó có Quần thể Di tích LSVH Phủ Dầy trong việc quản lý các di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Tháng 12- 2012, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã đưa “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nam Định được coi là nơi ra đời của “Nghi lễ hát Chầu Văn”, gắn liền với quá trình hình thành Quần thể Di tích LSVH Phủ Dầy (Kim Thái, Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (Yên Đồng, Ý Yên), đền Bảo Lộc (Mỹ Phúc, Mỹ Lộc)…
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Nam Định làm đại diện cho các địa phương có Nghi lễ Chầu văn xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Nghi lễ Chầu văn của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tỉnh đã giao cho huyện Vụ Bản, xã Kim Thái tổ chức Liên hoan Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Quần thể Di tích LSVH Phủ Dầy.