Lễ hội “mừng lúa mới” của người Chu Ru

“Mừng lúa mới” là nghi lễ nông nghiệp cổ truyền của các tộc người gắn bó với cây lúa rẫy, lúa nước ở miền đất đại ngàn Tây Nguyên. Theo chu kỳ canh tác cây lúa, sau khi thu hoạch xong, họ thường tổ chức nghi lễ “mừng lúa mới” và mỗi tộc người có nghi thức tổ chức khác nhau. Với người Chu Ru, tộc người rất giỏi dẫn thủy nhập điền để canh tác lúa nước, lễ hội pót bơdai bơrhau - “mừng lúa mới” thường được buôn làng đứng ra tổ chức với quy mô lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện lễ hội “mừng lúa mới” của người Chu Ru ở huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng.
Tái hiện lễ hội “mừng lúa mới” của người Chu Ru ở huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng.

Tại Lâm Ðồng, người Chu Ru sinh sống chủ yếu tại huyện Ðơn Dương và Ðức Trọng, dân số hơn 22,4 nghìn người. Trước đây, trong một chu kỳ sản xuất lúa nước, theo nông lịch của mình, người Chu Ru thường tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời sinh trưởng của cây lúa, như cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa khi gieo hạt… và cúng ăn mừng lúa mới sau khi mùa màng thu hoạch xong.

Người Chu Ru cho rằng, do tính chất và quy mô của lễ hội, tùy vào điều kiện, khoảng 10 đến 12 năm, dân làng mới tổ chức lễ một lần. Ðứng ra tổ chức lễ này là một gia đình đại diện cho cả dòng họ. “Nghi lễ này vừa để tạ ơn Yàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Ðồng thời cũng là dịp để bà con buôn làng chung vui hưởng thành quả lao động”, già làng Ya Ðồng ở xã Tà Hine, huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng chia sẻ.

Ðể tổ chức lễ hội, dân làng hoặc dòng tộc, tùy theo quy mô lễ hội, tụ họp để bàn bạc, đưa ra quyết định và ấn định thời gian khai lễ. Ngày ấn định đã đến, họ tiếp đón quan khách, bạn bè bằng những hồi chiêng, trống rầm rộ cho đến khi mọi người đã nhập cuộc mới tạm ngưng.

Trong lễ hội “mừng lúa mới”, phần lễ được làm ở nhà và diễn ra trong vòng một ngày một đêm. Các lễ vật chuẩn bị cho lễ gồm 1 con trâu trưởng thành, 2 con gà, 5 nải chuối, 2 ché rượu, 4 quả trứng gà (2 chín, 2 sống), 1 bát gạo, 1 đĩa trầu, 1 bát than và 1 cây nêu dùng để cột trâu.

Ðể thực hiện nghi thức khai lễ, già làng và thầy cúng đến nơi đặt lễ vật khấn vái, thành kính xin các vị thần cho dân làng tổ chức lễ hội và xin cho được hạ giàn chiêng để buôn làng đánh trong lễ hội. Sau đó, già làng tiếp tục làm lễ hiến sinh (vật hiến sinh là con gà), thay mặt dân làng chuyển tới các vị thần linh lời cầu khẩn và dâng lên những lễ vật của cộng đồng. Tiếp đến là nghi thức “ăn trâu”, trâu hiến sinh được cột vào cây nêu và thầy cúng mang các đồ lễ khác ra cây nêu để thực hiện nghi thức. Khi thầy cúng khấn mời thần xong, già làng tay cầm chén rượu tưới lên mình trâu và khấn: “Này trâu, hãy về với các thần, về với thần lúa. Xin thần cho con người nhiều may mắn, lúa đầy bồ...”.

Già làng tiếp tục thực hiện nghi thức “khai ché”, rót rượu dâng lên các Yàng; tiếp đó mời rượu, đeo vòng cườm, vòng đồng cho những người phụ việc và cuối cùng là nghi thức cúng dâng vật hiến sinh (cúng chín), khấn mời thần linh về dự lễ. Sau đó, tiếng chiêng, tiếng trống, kèn bầu nổi lên; những điệu tamya uyển chuyển trong vòng xoang mời gọi dân làng, khách mời vào hội.

Già làng Ya Ðồng cho biết, trong quá trình tổ chức lễ thức không thể thiếu đồng la (sar), trống (sơgơr), kèn bầu (rơkel) và các điệu tamya. Ðó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru. Trong toàn bộ tiến trình của lễ thức, thầy cúng là người đóng vai trò chính, người trực tiếp liên hệ với các vị thần linh.

Quá trình lễ còn có các già làng, những người đại diện cho dân làng cùng ngồi quanh mâm cúng. Lễ thức kết thúc bằng nghi lễ xin âm dương, đôi cánh, đôi chân và cái đầu của con gà đã dâng cúng thần linh. “Tùy theo mùa vụ mà người Chu Ru tổ chức “mừng lúa mới” theo hình thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn tổ chức theo dòng tộc. Lễ hội quy mô lớn có khách mời trong buôn và quan khách, cùng khách mời từ nơi khác đến; có “uống ăn trâu”, già Ya Ðồng nói.

Sau nghi lễ, mọi người tiếp tục kéo lên nhà để tiến hành cúng tế các vị thần linh, rồi quây quần để chia sẻ chuyện đời sống, cùng uống rượu cần, thưởng thức các sản vật núi rừng và hát ca thâu đêm, rạng ngày.

Qua lễ hội “mừng lúa mới”, nhiều nét đẹp văn hóa của người Chu Ru được phô diễn, từ đời sống tâm linh đến dân ca, dân vũ, hát kể sử thi… Mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc tự nhiên tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa.