Lạng Sơn đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

NDO - Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, với 80% lực lượng lao động là ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Nà Chuông, Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây nho Tảo hồng cho năng suất cao.
Người dân thôn Nà Chuông, Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây nho Tảo hồng cho năng suất cao.

Nhận thức của bà con các dân tộc trong tỉnh về học nghề, việc làm nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Mỗi năm đào tạo nghề cho hơn 11 nghìn lao động nông thôn

Từ năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Qua hơn 10 năm triển khai, với tổng nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hơn 190 nghìn tỷ đồng, toàn tỉnh đã có hơn 116 nghìn người lao động được đào tạo ở các cấp, trong đó, có trên 70 nghìn lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay hơn 57,2%.

Để đạt được kết quả đó, tỉnh thực hiện, các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, bảo đảm 100% đối tượng tham gia học nghề được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ. Đặc biệt, công tác đào tạo được quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, các xã được lựa chọn thí điểm mô hình nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh luôn chú trọng công tác phối hợp các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; rà soát, đánh giá nhu cầu lao động của thị trường, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, bà Nông Thị Phượng, thôn Quảng Liên 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: "Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi gà, cao gần gấp đôi so chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia".

Cũng giống như bà Phượng, nhiều bà con trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tham gia các lớp học nghề về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó có thêm việc làm và tăng thu nhập. Tùy theo đề xuất, nhu cầu của người học, các hình thức dạy nghề cũng được đa dạng, đổi mới. Ngoài các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút lao động nông thôn tham gia học như: lái xe ô-tô, may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch...

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hữu Lũng cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, hội viên và người nông dân trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tiễn nhờ vào những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho lao động nông thôn, sau khi đào tạo nghề, nông dân sẽ được các tổ chức Hội đoàn thể vận động tham gia các tổ, hội hợp tác để hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi..., giúp nông dân chủ động mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống.

Lạng Sơn đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn ảnh 1

Người dân ở thị trấn Lộc Bình (Lạng Sơn) nhờ học nghề đã mở xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng nhà ở, có thu nhập ổn định.

Ưu tiên đào tạo nghề ở, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đào tạo nghề cho trên 71 nghìn người lao động nông thôn. Kết quả, trong năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp cho trên 19 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tăng 2,8% so năm 2021. Trong đó đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn được hơn 6.000 người. Sau học nghề, có hơn 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có hơn 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.

Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc cho biết: Từ nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Cao Lộc đã giao cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện là đơn vị tuyển sinh và trực tiếp đào tạo nghề.

Kết quả, trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức được 64 lớp học nghề, đa dạng các loại hình như: Kỹ thuật chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật trồng và nhân giống cây hồng; kỹ thuật trồng nấm, hồi; kỹ thuật may, thêu thời trang dân tộc; chế biến món ăn; sửa chữa máy nông nghiệp... Những lớp nghề được mở đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân.

Ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh cho biết: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Thực tế đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm, vừa giải quyết được việc làm tại chỗ, vừa góp phần làm chuyển dịch lao động nông thôn hay chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn, phần lớn các nghề nông nghiệp đã dựa vào thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm đặc thù để phát triển ngành nghề.

Qua những lớp đào tạo nghề, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; biết áp dụng cách đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.

Trong thời gian tới, Sở lao động-Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo các địa phương trong tỉnh rà soát nhu cầu học nghề của lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người lao động về đào tạo nghề; gắn chương trình đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương; nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù của tỉnh về công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.