Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động đang được các địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

0:00 / 0:00
0:00
Lớp học kỹ thuật trồng nấm tổ chức cho hội viên Hội Nông dân tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Lớp học kỹ thuật trồng nấm tổ chức cho hội viên Hội Nông dân tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Lớp học kỹ thuật trồng nấm do Trường trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp Hội Nông dân xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh tổ chức ngay tại Hội sinh vật cảnh xã Tân Kiên thu hút gần 30 học viên, hầu hết là các hội viên Hội Nông dân và các hộ gia đình trên địa bàn xã. Giảng viên phụ trách lớp, bà Nguyễn Thị Diễm Chi cho biết, nhu cầu trồng nấm ăn cũng như làm dược liệu ngày càng tăng cao cho nên Hội Nông dân xã chủ động “đặt hàng” nhà trường phổ biến kiến thức trồng nấm cho học viên. Lớp học được tổ chức trong hai tháng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản nhất cho học viên, trong đó nội dung giảng dạy chú trọng nhiều đến phần thực hành để học viên có thể tự trồng nấm phục vụ bữa ăn gia đình.

Ông Tô Ngọc Xô, ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, một học viên của lớp chia sẻ: “Nhà tôi có mảnh vườn gần 4.000m2 hiện đang nuôi cá kiểng và trồng lan. Ấp ủ trồng nấm làm dược liệu cho nên tôi tham gia lớp kỹ thuật trồng nấm của Hội Nông dân xã để có kiến thức, tìm cơ hội mới trên mảnh vườn của mình”. 

Trên cơ sở kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn cho biết, trong năm 2022, huyện tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 800 lao động nông thôn trên địa bàn gồm cả lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp, đều được miễn học phí. Trong đó, các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như lái xe, làm móng, pha chế, nấu ăn được lực lượng lao động trẻ đăng ký nhiều. 

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, một lớp học lái xe do xã phối hợp Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức thu hút 40 học viên đăng ký học trong thời gian ba tháng. Lớp kỹ thuật trồng rau an toàn kỹ thuật cao do Ủy ban nhân dân xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn phối hợp Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân thành phố tổ chức có 35 học viên là các hội viên Hội Nông dân xã tham gia. Lớp kỹ thuật nấu ăn do Ủy ban nhân dân xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn tổ chức có 30 học viên đăng ký… 

Ghi nhận chung, hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố đều chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương gắn với “đầu ra” sau đào tạo. Từ đó, chọn lựa các trung tâm, cơ sở đào tạo có nội dung đào tạo phù hợp năng lực của học viên, chú trọng khâu thực hành để hiệu quả đào tạo thiết thực, đáp ứng nhu cầu cung-cầu việc làm đối với lao động nông thôn. 

Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều, Hiệu phó Trường trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố cho biết, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố hằng năm, nhà trường bám sát các chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực như bò sữa, heo, tôm, cá cảnh, rau an toàn, hoa kiểng để giảng dạy và hướng nghiệp. Tất cả các lớp học đều được tổ chức trên cơ sở yêu cầu của địa phương, căn cứ vào nhu cầu của học viên, được tổ chức ngay tại địa bàn phường, xã, thị trấn để học viên không phải di chuyển mà còn được thực hành trên các vườn rau, ao cá. Các địa phương chủ động giới thiệu việc làm để bảo đảm “đầu ra” sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, thành phố tổ chức đào tạo nghề cho 5.300 lao động nông thôn, trong đó có 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt từ 85% trở lên, gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn là quận 12 và các huyện: Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi. 

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Lâm nhận định, UBND các quận, huyện áp dụng thực hiện mô hình đào tạo nghề lưu động mang lại hiệu quả cao. Mở rộng triển khai áp dụng, đưa toàn bộ nội dung, hình thức giảng dạy đến tận các xã từ việc chọn lựa mời giáo viên đến liên kết các trường để thực hiện. Nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, nhất là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. 

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động nông thôn đã tự trang trải kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Số người thoát nghèo, có thu nhập khá tăng lên. Điều đó có thể khẳng định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. 

Cũng theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, hạn chế hiện nay là cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, việc dạy nghề lưu động mở tại các xã, thị trấn chất lượng chưa cao. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện tương đối thấp so với nhu cầu thực tế của người lao động, trung bình mỗi năm thành phố chỉ phê duyệt kinh phí cho công tác này khoảng 11 tỷ đồng…