Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một trong những cách giúp tăng thu nhập bền vững cho người dân là nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Nhờ nỗ lực của các đơn vị chức năng, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Bắc Giang tăng cao, năm 2010 mới đạt 33,5% thì đến năm 2021 đã tăng lên 72%.
0:00 / 0:00
0:00
Bắc Giang quan tâm đến công tác dạy nghề, giúp nhiều người có việc làm.
Bắc Giang quan tâm đến công tác dạy nghề, giúp nhiều người có việc làm.

TỈNH Bắc Giang xác định lấy đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm góp phần hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất, thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Hiện tại, chương trình giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đang triển khai theo ba chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình đầu tiên là đào tạo nghề theo Quyết định số 1719 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030); chương trình thứ hai là Giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định 90 (theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025); thứ ba là chương trình đào tạo nghề theo chương trình Xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động trên địa bàn (số lượng, trình độ, thực trạng lao động, yêu cầu về phát triển ngành, nghề). Tỉnh cũng khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... để chủ động trong việc tổ chức đào tạo; đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức lớp học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sao cho bảo đảm thời gian học lý thuyết và thực hành, sĩ số lớp học, chất lượng giáo viên... để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao. Các loại hình dạy nghề phát triển đa dạng; dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của thị trường lao động và nhu cầu của người học. Tổng số tuyển sinh và đào tạo cho lao động nông thôn (gồm thanh niên nông thôn và nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp) giai đoạn 2011-2020 là hơn 321,2 nghìn người; trong đó có gần 55 nghìn người được hỗ trợ đào tạo.

MỘT trong những huyện đạt được kết quả cao trong dạy nghề nông thôn là huyện Lục Nam. Trong 10 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Lục Nam đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được hơn 40.200 lao động trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; thời gian từ hai đến ba tháng/khóa, tổ chức theo hình thức tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được chú trọng. Qua kiểm tra của đơn vị chức năng, hơn 80% số người lao động sau khi học nghề xong được giải quyết việc làm, trong đó 100% số người lao động tham gia học nhóm nghề nông nghiệp được giải quyết việc làm dựa trên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của gia đình mình.

Tại huyện Yên Dũng, giai đoạn 2020-2021 có hơn 5.100 người được đào tạo; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 181 người, trung cấp 662 người, sơ cấp hơn 1.000 người, đào tạo dưới ba tháng hơn 3.200 người. Số lao động được đào tạo có việc làm là hơn 4.300 người. Ông Nghiêm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Yên Dũng cho biết: Thực hiện kế hoạch của huyện, đơn vị đã phối hợp các xã, thị trấn đến từng hộ dân để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp và lợi ích thiết thực của việc học nghề đối với bà con; điều tra, khảo sát, tham khảo nguyện vọng của người dân về ngành nghề muốn học để mở lớp dạy nghề cho phù hợp; đồng thời vận động những người đủ điều kiện đăng ký tham gia học nghề. Đơn vị cũng đưa các máy móc, thiết bị thực hành về để mở lớp học ngay tại thôn, xóm và bố trí thời gian linh hoạt, phù hợp điều kiện của người dân để thuận tiện cho bà con tham gia các khóa học.

Sau khi được đào tạo, nhiều lao động nông thôn có thêm kỹ năng, tự tin làm việc trong các doanh nghiệp, mở mô hình trang trại, tham gia các hợp tác xã nông nghiệp. Thu nhập không ngừng nâng lên, người dân lại tích cực chung tay cùng các cấp chính quyền trong xây dựng nông thôn mới, góp phần làm nên những vùng quê giàu đẹp.