Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về di sản văn hóa cho nhân dân với các hoạt động cụ thể như: nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản ấn phẩm về các công trình nghiên cứu, tài liệu quảng bá di sản văn hóa Lạng Sơn; trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; tham mưu cho ngành chức năng các biện pháp giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức 23 đợt trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa; tổ chức 17 hội thảo, hội nghị công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hiện nay, tỉnh đã và đang tiến hành triển khai thực hiện 11 dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là các loại hình như: lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian… với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, kinh phí xã hội hóa dành cho hoạt động thường xuyên tại các di tích, lễ hội và các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh trung bình ước đạt 60 tỷ đồng/năm. Qua đó, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được bảo lưu, trao truyền và phát huy giá trị.
Hát giao lưu Sli, lượn của bà con dân tộc Nùng, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn). |
Cùng với đó, các cấp, ngành đã quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đặc thù mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa cũng như tu bổ, phục hồi, khoanh vùng, bảo vệ di tích với tổng kinh phí đầu tư từ năm 2016 đến nay đạt hơn 261 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 79 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; 6 điểm, khu di tích được quy hoạch, 78 điểm, khu di tích được khoanh vùng bảo vệ…
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then, đàn tính của tỉnh chia sẻ: Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được thành lập từ năm 2010 theo hướng xã hội hóa, từ 200 hội viên, đến nay hội đã phát triển được hơn 1.000 hội viên với gần 60 câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời mở được hàng trăm lớp truyền dạy dân ca từ cơ sở đến liên xã, liên huyện, liên tỉnh.
Ngoài lĩnh vực dân ca, các đội múa sư tử mèo trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng rất phát triển với gần 100 đội múa phân bố tại 6 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia... Các câu lạc bộ dân ca, đội múa sư tử mèo đều hoạt động độc lập và bằng kinh phí tự đóng góp, duy trì trên tinh thần “Hoạt động để sống khỏe - Khỏe để giữ gìn bản sắc”.
Nhiều câu lạc bộ dân ca, đội múa sư tử mèo phát triển mạnh và thường xuyên tham gia đóng góp vào các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh như: Câu lạc bộ Điếp Sli Then (Cao Lộc); Câu lạc bộ Cẩu Pung (Tràng Định); Câu lạc bộ Nộc Khảm Khắc (Văn Lãng); Câu lạc bộ múa sư tử mèo xã Hải Yến (Cao Lộc)….
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 25 /NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Tỉnh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chủ động xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Trước tiên, các cấp, ngành đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Theo đó, tỉnh thực hiện chủ trương huy động cả về nhân lực cũng như vật chất và tài chính thực hiện hóa xã hội hóa các hoạt động trong lễ hội.
Múa sư tử Mèo của bà con dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn). |
Thực hiện chủ trương đó, hoạt động xã hội hóa lễ hội đã được các huyện, thành phố thực hiện và tiến tới không sử dụng ngân sách trong tổ chức lễ hội. Ngoài 12 lễ hội được luân phiên lựa chọn làm lễ hội điểm của tỉnh, huyện mỗi năm, 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 triệu đồng đến 400 triệu đồng, cá biệt có lễ hội kinh phí tổ chức lên đến 2 tỷ đồng (hội đền Bắc Lệ).
Nhờ những giải pháp trên, đến nay, Lạng Sơn đã có 8 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bùng Kham, xã Đại Đồng (huyện Tràng Định); lễ hội Trò Ngô, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phai Lừa, Hồng Phong, (huyện Bình Gia); múa sư tử mèo của người Tày, Nùng...
Lạng Sơn cũng là tỉnh có di sản văn hóa “Thực hành Then” của đồng bào dân tộc Tày-Nùng-Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2019.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Phúc Hà cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chương trình, nghị quyết, văn bản về di sản văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn di sản văn hóa.