Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, thuộc vùng cố đô Hoa Lư là một làng nghề nổi tiếng của Ninh Bình. Các dấu tích ở đây khẳng định vị tổ nghề đá làng Ninh Vân có tên húy là “Hoàng Sùng, quê ở Thanh Hóa”, rất giỏi nghề chạm khắc đá đã truyền dạy nghề cho người dân địa phương. Cha truyền con nối từ thế kỷ XVII đến nay, người làng đá mỹ nghệ Ninh Vân đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm bằng đá có giá trị, từ những tác phẩm trong các công trình tín ngưỡng, tâm linh, cho tới các vật dụng cối đá, bàn ghế đá, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân làng nghề.
Từ khi tỉnh Ninh Bình tái lập năm 1992, được chính quyền tạo điều kiện, nhiều doanh nghiệp tư nhân sản xuất đá mỹ nghệ ở làng được thành lập. Cụm công nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ Ninh Vân có tổng diện tích lên 30ha ra đời. Từ đây, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã thay đổi hẳn về diện mạo, chuyển theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Sản phẩm bằng đá của làng có mặt trên nhiều công trình lớn như: Cụm tượng đài bằng đá ở nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt bằng đá ở Quảng Bình, tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), 500 tượng La Hán ở chùa Bái Đính (Ninh Bình). Làng hiện có hàng nghìn lao động, có nhiều nghệ nhân tài giỏi đã chế tác ra những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang phong cách của nhiều giai đoạn lịch sử, làm dày thêm văn hóa làng xã trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Năm 2019, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, Ninh Bình còn có hàng chục làng nghề truyền thống như: Làng nghề dệt chiếu, chế biến sản phẩm cói xuất khẩu ở huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh; làng nghề mộc Phúc Lộc, thêu ren ở thôn Văn Lâm, huyện Hoa Lư; sản xuất mây, tre đan ở Gia Tân, huyện Gia Viễn. Nhiều làng có đền thờ, miếu thờ vị tổ nghề, hoặc thờ thành hoàng làng. Đó là những bậc tài hoa giỏi nghề, có công khởi nghiệp, truyền nghề cho dân; hoặc có công lập ấp, dựng làng. Trong sự phát triển, không ít làng nghề ở Ninh Bình đã được công nhận là làng văn hóa.
Sự giao thoa giữa phát triển làng nghề, làng văn hóa trong không gian lưu giữ cây đa, bến nước, sân đình đã tạo ra nét biểu trưng văn hóa đặc thù của làng quê ở Ninh Bình cũng như bao làng quê khác. Đó là tập hợp những nét văn hóa trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, tâm linh của cộng đồng trong mối quan hệ tương đồng với môi trường tự nhiên, xã hội.
Việc trân trọng và phát huy những nét đẹp văn hóa làng đã tạo thêm cơ hội cho tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều ngành kinh tế khác. Đây là nền tảng quan trọng đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng mục tiêu của tỉnh đề ra, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.