Những ngày này, đi dọc các con đường ô bàn cờ ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân hối hả, tất bật chăm sóc hoa chuẩn bị đón Tết.
Gia đình chị Bùi Thị Bình, một trong những hộ dân trồng mai đầu tiên ở Kỳ Nam, cho biết, đầu tháng 12 âm lịch các thương lái đã đến đặt hàng và vận chuyển hàng trăm gốc mai về các điểm trưng bày để bán hàng Tết. Đặc biệt, các gốc mai cổ thụ của gia đình đã được khách hàng đặt mua với giá rất cao, gần 100 triệu đồng/cây.
Dự kiến năm nay gia đình chị sẽ xuất bán từ 200-350 gốc mai vàng 5 cánh. Với giá bán trung bình từ 3 triệu-5 triệu đồng/cây, mùa thu hoạch năm nay, cây mai sẽ mang về cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng. Ngoài khu vực trồng mai trên diện tích gần 2ha với hơn 4.000 gốc mai đã trưởng thành, gia đình chị Bùi Thị Bình còn sở hữu vườn ươm giống cây mai 6.000 cây giống sẵn sàng cung cấp ra thị trường.
Chị Bình cho biết, để cây mai nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán, ngay từ trung tuần tháng 11 âm lịch, các hộ dân sẽ tiến hành quan sát kỹ nụ hoa, xem nụ hoa lớn hay nhỏ để định kỳ tuốt lá chính xác. Với mai vàng 5 cánh, nếu nụ hoa nhú nhỏ bằng hạt gạo, các hộ dân tuốt lá sớm vào đầu tháng 12 âm lịch, nếu nụ lớn bằng hạt đậu xanh thì tuốt lá vào rằm tháng 12 âm lịch. Vào ngày 23 tháng 12 (ngày cúng ông Táo) mà cây mai vàng có nhiều nụ bung vỏ lụa thì sẽ nở vào đúng dịp Tết.
Các thương lái vận chuyển mai đến điểm trưng bày bán hàng Tết. |
Đang tất bật giao hàng với các thương lái, bà Võ Thị Nở ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam vui vẻ cho biết, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cây mai vàng 5 cánh sinh trưởng và phát triển phù hợp với kế hoạch bán hoa Tết của gia đình. Sau khi bàn giao 50 gốc mai cho thương lái, gia đình sẽ tiếp tục xuất bán các cây mai trưởng thành cho các khách hàng đến mua trực tiếp tại vườn.
Bà Võ Thị Nở chia sẻ, nhờ nguồn giống cây mai ở Kỳ Nam phong phú, trồng mai phù hợp với tập quán canh tác của nhiều hộ dân nên cây mai vàng đã được đem đi nhân giống, mở rộng vùng trồng ở nhiều địa phương khác.
Cây mai vàng 5 cánh đã trở thành cây thoát nghèo của người dân nơi đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Nam, Nguyễn Trung Tuần
Theo các hộ dân trồng mai vàng tại đây, do đặc thù về thổ nhưỡng nên cây mai Kỳ Nam hình thành ba sắc thái: mai rừng (mọc trên rừng), mai biển (mọc dọc bờ biển) và mai cồn (mọc ở các cồn cát) đây được ví như loại mai “công chúa” bởi giống mai này có hoa rất to, sắc vàng đậm. Các chủng mai vàng 5 cánh ở Kỳ Nam có tính chất riêng biệt và liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực sản xuất nên sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh và có tuổi thọ cao. Mai vàng Kỳ Nam nở tự nhiên vào khoảng tháng 12 (âm lịch).
Giới thiệu về quá trình du nhập của cây mai vàng 5 cánh dưới chân đèo Ngang, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Nam, Nguyễn Trung Tuần cho biết, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân xã Kỳ Nam bắt đầu thuần dưỡng, đưa các giống mai mọc tự nhiên ở khu vực núi Hoành Sơn, bờ biển Kỳ Nam về trồng tại vườn nhà.
Ban đầu các hộ dân chỉ cắt cành cây đã ra hoa để bán cho người có nhu cầu trưng mai trong dịp Tết. Dần dần, sau khi nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, đã có một số tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu, trồng loại hoa này, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường do quy trình sản xuất còn một số hạn chế, quy mô còn nhỏ, đầu tư chưa xứng tầm với giá trị của cây mai mang lại.
Phải đến năm 2020, khi tiếp cận được cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình trồng mai của thị xã Kỳ Anh, người dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng mai. Nhờ đó, cây mai vàng 5 cánh đã trở thành cây thoát nghèo của người dân nơi đây. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã đã có hơn 170 hộ dân trồng mai vàng 5 cánh, với tổng diện tích hơn 7ha.
Cây mai vàng 5 cánh cổ thụ được chào bán hàng trăm triệu đồng. |
“Mai vàng Kỳ Nam có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, hoa 5 cánh mọc thành chùm, màu sắc hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm; khác biệt so với các loài mai ở vùng khác (lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu hoa đơn). Đặc biệt mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu hạn, chịu úng và chịu được cả khí hậu khô nóng, thiếu nước”. Ông Nguyễn Trung Tuần cho hay.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Kỳ Nam kỳ vọng sẽ mang lại tác động rất tích cực đối với người dân, đồng thời đây sẽ là cơ sở để địa phương tiến hành quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng mai.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Văn Chung
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Văn Chung, hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả giá trị cây mai vàng, đồng thời hoàn thiện quy trình nhân giống, chăm sóc và điều khiển cây mai nở hoa đúng dịp Tết với diện rộng, tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cao, thị xã Kỳ Anh đã và đang phối hợp Sở Khoa học và Công Nghệ Hà Tĩnh triển khai các dự án “Tạo lập chỉ dẫn địa lý 'Kỳ Nam' dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh” và dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển cây Mai Vàng tại thị xã Kỳ Anh theo hướng sản xuất hàng hóa”.
“Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Kỳ Nam kỳ vọng sẽ mang lại tác động rất tích cực đối với người dân, đồng thời đây sẽ là cơ sở để địa phương tiến hành quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng mai, tăng thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của vùng”. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.
Cây mai là một trong những cây quan trọng luôn có mặt trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Mai nở hoa có mùa, đó chính là mùa Tết. Đối với người Á Đông, mai không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sự cao quý, thanh tú, trang nhã mà đạm bạc. Hoa mai còn tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc suốt cả năm cho cả gia đình. Tuy nhiên, để có được cây mai hoàn hảo cho ngày Tết thì cây mai đó phải có dáng đẹp, trổ đúng vào ba ngày Tết Âm lịch, hoa phải nhiều, màu sắc rực rỡ và phải lâu tàn.