Sức sống mới bên dãy Hoành Sơn

NDO - Trên đỉnh Hoành Sơn, phóng tầm mắt nhìn về phía bắc, vẫn còn đó vùng non nước cảnh sắc hữu tình với những cung đường uốn khúc, ghềnh đá lô nhô lẫn vào bãi cát biển trắng mịn màng.
0:00 / 0:00
0:00
"Cổng trời" Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt là cả một vùng đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh rộng lớn. (Ảnh: Huy Tùng)
"Cổng trời" Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt là cả một vùng đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh rộng lớn. (Ảnh: Huy Tùng)

Và dưới bầu trời xanh tràn ngập nắng vàng ấy, những công trường, nhà máy rộn ràng, khu dân cư trù phú giờ đây đã thế chỗ cho những ngôi làng lác đác nhà tranh vách đất. Nhờ có đường hướng phát triển đúng đắn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân và tạo nên sự đổi thay kỳ diệu bên dãy Hoành Sơn.

Ký ức khó quên

Một thời chưa xa, khi nhắc đến xã Kỳ Nam (Kỳ Anh), người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Cái khó ở đây khởi nguồn bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn. Hầu như năm nào, người dân nơi đây cũng phải oằn mình chống chọi với những cơn bão lớn, đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, mùa màng mất trắng khiến đời sống của người dân hết sức khó khăn.

Dù đã bươn chải từ bắc vào nam tìm sinh kế, song do trình độ tay nghề hạn chế, mức thu nhập của hàng trăm lao động ly hương không đủ tạo sự khác biệt với cuộc sống lam lũ ở quê nhà, thành ra khắp làng trên, xóm dưới hễ ra đường là gặp hộ nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Bùi Văn Chuổng, đến năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Nam đang nằm ngưỡng hơn 50%.

Sức sống mới bên dãy Hoành Sơn ảnh 1

Diện mạo xã Kỳ Nam khởi sắc từng ngày. (Ảnh Thanh Bình)

Dẫn chúng tôi mục sở thị các tuyến đường giao thông nông thôn dọc ngang được thảm nhựa, xây dựng khang trang kết nối với quốc lộ 1A, ông Bùi Văn Chuổng cho biết: Khác với thời gian trước, cứ sau mỗi dịp về quê đón tết, bà con lại “tay xách, nách mang” vội vã hòa vào dòng người di cư vào nam trên những chuyến xe chật ních người; thì nay, đa phần người dân Kỳ Nam đã có việc làm ổn định tại quê nhà.

Hàng trăm lao động trong độ tuổi được đào tạo, tuyển dụng làm việc thường xuyên, có thu nhập ổn định tại khu kinh tế Vũng Áng. Cây mai vàng năm cánh vốn để dành cho giới “quý tộc” lớn lên từ dãy Hoành Sơn năm nào đã được người dân thuần dưỡng, nhân giống. Người trồng trước truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống cho người trồng sau. Từ một vài hộ biết trồng mai, đến nay, cây mai đã mang về thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cho khoảng 150 hộ dân ở Kỳ Nam.

“Ngoài cây mai, các hộ dân còn mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, mang lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng chính là nền tảng để Kỳ Nam tự tin xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay”, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, Bùi Văn Chuổng cho biết thêm.

Không chỉ Kỳ Nam, theo chia sẻ của các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Kỳ Anh, trước đây, hễ đến mùa giáp hạt hay đón Tết cổ truyền, lãnh đạo địa phương phải phân công nhau ra bắc vào nam vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ít lương thực, thực phẩm cho bà con ăn tết hoặc chống đói.

Nghĩ về những ngày gian khó, bà con lam lũ một thời dưới chân Đèo Ngang càng trân quý hơn tình cảm sẻ chia của người Kỳ Anh muôn nơi.

Sức sống mới

Bứt mình khỏi những ký ức gian khó, chúng tôi được dịp cùng các đồng chí lãnh đạo thị xã Kỳ Anh thị sát khu kinh tế Vũng Áng, nơi đang có sự hiện diện của 153 dự án đầu tư, trong đó có 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60 ngàn tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15,7 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, chế biến, chế tạo…

Sức sống mới bên dãy Hoành Sơn ảnh 2

Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, hạt nhân phát triển của khu kinh tế Vũng Áng.

Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành cho biết, với hạt nhân là dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Hà Tĩnh, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào tăng trưởng của Hà Tĩnh cũng như cả nước

Theo dự báo của các đồng chí lãnh đạo thị xã Kỳ Anh, sắp tới khi nhà máy sản xuất Pin VINES Vũng Áng tổng mức gần 4.000 tỷ đồng chuẩn bị đi vào vận hành và Nhà máy Pin Lithium tổng mức hơn 6.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 đi vào hoạt động, ngoài việc tăng thu ngân sách nhà nước, hai dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm tại khu công nghiệp sản xuất ô-tô và linh phụ kiện trên 1.000 ha tại khu kinh tế Vũng Áng.

Như vậy là, bên cạnh 17 nghìn lao động đã có việc làm ổn định, lâu dài tại khu kinh tế Vũng Áng, một ngày không xa, thị xã Kỳ Anh sẽ đón tiếp những làn sóng công nhân di cư, đây vừa là cơ hội, vừa tạo ra nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước, bảo đảm thu nhập đời sống, sinh hoạt… của công nhân.

Từ một địa phương nghèo, xuất phát điểm thấp, thị xã Kỳ Anh đã trở thành vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển của Hà Tĩnh với hạt nhân là khu kinh tế Vũng Áng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng đạt hơn 37.720 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh.

Sức sống mới bên dãy Hoành Sơn ảnh 3

Dáng dấp thành phố mới đang dần hiện hữu trên vùng đất khó Kỳ Anh.

Điều đáng mừng, kết quả thu ngân sách năm 2022 thị xã Kỳ Anh tiếp tục vượt kế hoạch tỉnh giao với gần 435 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch giao, cá biệt số thu nội địa chiếm 2/3 tổng thu ngân sách trên địa bàn. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phát triển có chiều sâu của nền kinh tế, đây còn là nguồn lực quan trọng để thị xã chủ động trong việc bố trí nguồn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Thế Anh, có được bước phát triển như hôm nay, ngoài chiến lược, tầm nhìn đúng đắn và sự quan tâm giúp đỡ kịp thời của tỉnh, trung ương, phải kể đến sự hy sinh, chia sẻ của bà con nhân dân.

Hiếm có nơi đâu, chỉ trong vòng 10 tháng mà đã có hơn 4.500 hộ dân đã rốt ráo di dời nhà cửa, nơi thờ tự, mồ mả... về nơi ở mới để nhường 2.000 ha đất triển khai dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương.

“Chỉ tính riêng năm 2022, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng hàng loạt dự án trọng điểm như: Đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng đã hoàn thành và kéo dây, đóng điện; cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; đường cao tốc Bắc Nam; các tuyến đường trong khu kinh tế Vũng Áng... Xử lý được nhiều tồn đọng mà cử tri bức xúc trong thời gian dài như: hoàn thành hỗ trợ 413 hộ dân tại xã Kỳ Nam ảnh hưởng dự án nuôi tôm công nghiệp Việt Anh…”. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh cho biết thêm.

Theo Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành, bên cạnh những kết quả đáng mừng, địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, khó khăn trong thời gian qua, nhất là những tồn đọng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, đô thị chưa được tháo gỡ; vấn đề huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị chưa được như kỳ vọng…

“Vì vậy, giữ vững sự đoàn kết, đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, nhân dân. Phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các tổ chức cơ sở đảng, tập trung hướng về cơ sở, tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân cũng như tinh thần dấn thân, vì sự phát triển của đô thị trẻ trong toàn thể cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề mấu chốt, bài học xuyên suốt chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới”, đồng chí Đặng Văn Thành nhấn mạnh.