Tạo dựng thương hiệu
Trong những ngày Tết, chưng một chậu hoa mai năm cánh nở vàng là nét văn hóa được người dân xứ Huế gìn giữ. Từ nhỏ, anh Trường đã quen với việc tuốt lá mai phụ ba mẹ trong những ngày cuối năm. Đó chính là niềm vui tinh thần của cả gia đình. Năm 2018, nhận thấy những gốc mai trong vườn chưa phát huy hết tiềm năng, anh Trường bắt đầu hành trình khởi nghiệp với loại cây này.
Xác định rõ cần tạo ra giá trị thực, tất cả các khâu từ gieo giống, chăm sóc, cắt tỉa cành lá được anh Trường làm bài bản, quy củ. Mỗi vụ gieo giống, hạt giống lấy từ hai cây mai hàng chục năm tuổi của gia đình. Ngoài công lao động trong nhà, anh Trường thuê hai người dân địa phương cùng làm để hàng nghìn bầu hạt giống đều nảy mầm một lượt.
Khởi nghiệp từ mai vàng không ít trở ngại. Do đó, lấy ngắn nuôi dài là cách anh Trường duy trì kinh phí tái đầu tư. “Cây mai giống có thời gian chăm sóc ngắn, dễ bán ra với số lượng nhiều nên trong giai đoạn đầu tôi trồng mai giống. Khi tạm ổn định, tôi dần chuyển qua chăm sóc, tạo dáng các chậu mai bonsai cho đến hiện nay. Hoa mai bonsai cần 5 năm mới bán được. Nếu khoảng thời gian đó không có dòng tiền xoay vòng thì sẽ không làm được”, anh Trường cho biết.
Đặc điểm sinh trưởng của hoa mai bonsai được chia làm hai giai đoạn. Trong ba năm đầu, cây được tạo thế dáng, thay các đợt lá và ra lứa hoa đầu tiên. Tiếp theo đó, hoa nở đều và đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường. Trong năm 2023, khoảng 9.000 cây mai giống từ vườn nhà anh Trường đã đến tay người yêu hoa mai trên cả nước. Cùng với đó, gần 1.000 chậu mai bonsai đủ kích thước sẵn sàng đưa ra thị trường. Đó là động lực quan trọng, khẳng định được thương hiệu mai bonsai xứ Huế.
Hiện tại, anh Trường chia mai bonsai thành ba loại gồm bonsai tiểu, trung và đại. Mức giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Nét thẩm mỹ, hình dáng uốn lượn càng nhiều thì việc chăm sóc cây cần theo sát từng ngày. Anh Trường chia sẻ: “Trong ba loại bonsai tôi đang trồng thì loại tầm trung được khách hàng ưa chuộng nhất. Chiều cao của cây cũng như giá thành phù hợp. Trồng hoa mai trong thời gian qua, tôi nhận thấy loại cây này đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác”.
Gìn giữ danh xưng hoàng mai
Hoa mai vàng có sức chống chịu tốt trong môi trường tự nhiên. Huyện Quảng Điền, nơi có dòng sông Bồ chảy qua. Mỗi năm, lượng phù sa sông bồi đắp làm cho thổ nhưỡng giàu chất dinh dưỡng. Trước khi khởi nghiệp với hoa mai vàng, anh Trường dành thời gian tìm hiểu kỹ đất đai ở đây. “Nhìn trên bề mặt thì giống đất sét nhưng bên dưới có độ tơi xốp nhất định. Đó là điều kiện lý tưởng cho gốc mai bén rễ và hút dinh dưỡng từ phù sa sông”, anh Trường cho hay.
Hiện tại, khu vườn mai vàng của anh Trường là một trong số ít các khu vườn giống kiểu mẫu ở Thừa Thiên Huế. Trong hai năm trở lại đây, anh Trường tiến hành thử nghiệm trồng hoa mai vàng xứ Huế ở tỉnh Lâm Đồng. Đây là bước khởi đầu cho việc phổ biến nguồn mai giống đặc trưng của Huế ra cả nước. “Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống” là bộ tiêu chí để đánh giá một cây mai tự nhiên đẹp nhất. Tạo được thế cây với đọt xanh, lá dày, hoa năm cánh, mỗi chùm nở từ 12 - 15 hoa là thành công rất lớn với những người chăm sóc hoa.
Tính gắn kết giữa các chi hội Hoàng mai trên địa bàn tỉnh được thông qua các phiên chợ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà vườn. Chi hội Hoàng mai Quảng Điền hiện có 11 thành viên; anh Trường là một trong số đó. Trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 của Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức, dự án “Mai vàng xứ Huế” của anh Trường đã đoạt Giải nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng để chi hội Hoàng mai Quảng Điền nói riêng và Hội Hoàng mai Huế nói chung tiếp tục phát triển.
Từ nhiều đời qua, giá trị tuyệt phẩm của Hoàng mai Huế đã được khẳng định. Với quyết tâm của lớp trẻ trong việc áp dụng kỹ thuật mới vào nghề trồng hoa mai, tương lai xứ Huế trở thành “xứ sở mai vàng” của Việt Nam là điều hoàn toàn khả quan.