Là cán bộ công tác lâu năm trong ngành nông nghiệp, hiện đã nghỉ chế độ hưu trí nhưng ông Vũ Đình Phượng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, dõi theo những bước phát triển của quê hương.
Khi được mời tham gia ý kiến cho “chiến lược” xây dựng đô thị xanh, nông nghiệp sinh thái, ông Phượng không giấu được niềm vui vì đây là những vấn đề tâm huyết, hướng đi mới của huyện.
Ông Phượng cho biết: “Lạng Giang có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu, đất đai đa dạng, phong phú, thuận lợi; hạ tầng giao thông kết nối nội, ngoại vùng được đầu tư nhiều trong những năm qua, có những di tích lịch sử và di sản văn hóa giá trị là tiềm năng để phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch”.
Được biết, Lạng Giang có nhiều xã về đích nông thôn mới nâng cao, đặc biệt có 67 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cao nhất toàn tỉnh. Huyện đặt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, phấn đấu hoàn thành trước 1 năm so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22 đã đề ra. Hằng năm, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện đạt hơn 2.400 tỷ đồng.
Bước đầu, huyện hình thành và xây dựng mở rộng các vùng sản xuất lúa tập trung, thực hiện mô hình liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ tại các xã: Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Mỹ Thái, Tân Hưng, An Hà, Hương Lạc, thị trấn Kép... vùng sản xuất rau sạch, rau chế biến tại các xã Xuân Hương, Quang Thịnh, Xương Lâm… Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng nông nghiệp sinh thái.
Việc triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, cơ sở văn hóa, cảnh quan môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đồng chí Bùi Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, việc xây dựng nông thôn sinh thái trên địa bàn là nội dung mới, chưa có mô hình, tiêu chí cụ thể. Do đó, huyện tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, toàn huyện có 47 mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 12 mô hình trồng nấm hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, kho lạnh, nồi hơi, máy móc thiết bị để sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao; 20 mô hình trồng trọt hỗ trợ xây dựng nhà lưới, lắp đặt thiết bị tưới công nghệ cao; 3 mô hình chăn nuôi, thủy sản hỗ trợ xây dựng theo công nghệ chuồng lạnh, đầu tư trang bị máy móc hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành sản xuất; 12 mô hình trồng hoa hỗ trợ nhà màng, hệ thống tưới tự động, lưới cắt nắng, nhà sơ chế, bảo quản. Đến nay, các mô hình đều khẳng định hiệu quả sản xuất vượt trội và được người dân hưởng ứng nhân rộng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; phát triển sản phẩm có lợi thế, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện để nông dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tiếp cận trực tiếp với tư duy kinh tế nông nghiệp bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình, mô hình hợp tác, liên kết tiêu biểu để tạo sức lan tỏa; tuyên truyền về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyển đổi số.
Đối với nội dung phát triển đô thị xanh, quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 đã định hướng huyện Lạng Giang thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía bắc của tỉnh, lấy thị trấn Vôi là đô thị trung tâm vùng, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng và toàn tỉnh.
Thị trấn Vôi chú trọng mở rộng không gian công cộng, mặt nước, cây xanh. |
Mục tiêu đến năm 2030 là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư nâng cấp đô thị tại 2 thị trấn Vôi và Kép trở thành đô thị loại IV và thành lập các thị trấn mới gồm: Thái Đào, Tân Dĩnh, Tân Hưng đạt đô thị loại V; xây dựng Lạng Giang trở thành đô thị xanh, sinh thái.
Để đạt được mục tiêu chung, huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã xây dựng, ban hành các kế hoạch cả giai đoạn và kế hoạch chi tiết theo từng năm, xác định rõ nội dung, lộ trình, thời gian thực hiện, tập trung đầu tư, bố trí nguồn lực.
Mục tiêu đến năm 2030 là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư nâng cấp đô thị tại 2 thị trấn Vôi và Kép trở thành đô thị loại IV và thành lập các thị trấn mới gồm: Thái Đào, Tân Dĩnh, Tân Hưng đạt đô thị loại V; xây dựng Lạng Giang trở thành đô thị xanh, sinh thái.
Tổng kinh phí thực hiện phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 gần 9.250 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 9,9 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 5.215 tỷ đồng; còn lại là thu hút đầu tư của doanh nghiệp và vốn khác.
Nhờ được đầu tư, đến nay thị trấn Vôi đạt 82,43 điểm, thị trấn Kép đạt 66,92 điểm so với tiêu chí đô thị loại IV. Các xã xây dựng đô thị loại V đạt cao nhất là xã Tân Dĩnh (đạt 72,32 điểm).
Đồng chí Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trao đổi, trên cơ sở định hướng chung phát triển vùng, tỉnh, tầm nhìn cho huyện đến năm 2040 là “Xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cửa ngõ phía đông bắc tỉnh Bắc Giang”, huyện tập trung phát triển đô thị, thu hút nguồn lực xã hội để tạo động lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp.
Huyện xác định xây dựng Lạng Giang thành đô thị xanh, sinh thái, hiện đại là hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị và lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng sống của người dân là mục tiêu chính, đồng chí Thân Hải Nam nhấn mạnh.