Xây dựng, củng cố nền tảng pháp lý
- Thưa ông, năm 2012, Việt Nam có giải thưởng Kiến trúc xanh đầu tiên. Nhìn lại 10 năm qua, ông nhận thấy ý thức và tầm nhìn trong xã hội ta về tính chất xanh của một công trình kiến trúc, rộng hơn là của một đô thị, đã có thay đổi như thế nào?
- Đầu tiên, tôi thấy là giới chuyên môn khá quan tâm. Bên cạnh sự ra đời của giải thưởng Kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thành lập, còn có việc một số cá nhân nhà chuyên môn sáng lập Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), đề xuất bộ tiêu chí công trình xanh LOTUS chú trọng vào những tiêu chuẩn phù hợp đặc thù môi cảnh Việt Nam. Cho đến nay, LOTUS được áp dụng rộng rãi.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các tiêu chí xanh, thậm chí họ còn đưa vào thành tiêu chuẩn để đầu tư, đồng thời tài trợ cho các hoạt động phi lợi nhuận liên quan kiến trúc xanh, công trình xanh như nghiên cứu, hội thảo, trao đổi, trò chuyện... Như vậy, để thấy là tiêu chí xanh, yếu tố xanh trong kiến trúc và quy hoạch nói chung đã và đang nhận được quan tâm lớn từ xã hội.
Về phía chính quyền, cá nhân tôi cho rằng không thể chỉ dừng lại với khuyến nghị, khuyến khích đạt tiêu chí công trình xanh hay đô thị xanh mà cần xây dựng, củng cố mạnh mẽ nền tảng pháp lý liên quan vấn đề này.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn ở khía cạnh nền tảng pháp lý hoặc chia sẻ kinh nghiệm liên quan từ các quốc gia khác?
- Có hai thí dụ thực tế cụ thể: thứ nhất, nước ta đang áp dụng tiêu chí chứng nhận công trình xanh ở dạng mở: tức là cùng lúc, ba hệ thống tiêu chí được áp dụng phổ biến (LOTUS của VGBC, LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ-USGBC và EDG của IFC-thành viên Ngân hàng Thế giới), nhà đầu tư chọn hệ thống nào cũng được. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những đặc thù về tự nhiên xã hội và theo đó, để phát triển bền vững về mọi mặt thì cần dựa vào đặc thù của mình và nên có một bộ tiêu chí cụ thể, phù hợp cùng chính sách khuyến khích sử dụng bộ tiêu chí đó cho sự phát triển đồng bộ của quốc gia.
Thứ hai, là vấn đề phát triển đô thị ở vùng đất thấp. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn hay nền tảng pháp lý nào về quy hoạch đô thị ở khu vực này, trong khi các nước khác đã có rồi, để đón đầu làn sóng đầu tư và giảm tác hại từ biến đổi khí hậu. Thí dụ: họ khuyến khích phát triển đô thị ở vùng đất cao hơn, còn nếu vẫn muốn quy hoạch và phát triển đô thị ở vùng đất thấp thì phải đạt được nhiều tiêu chuẩn riêng, như là phải duy trì tỷ lệ không gian xanh và mặt nước cao hơn so với ở vùng đất cao chẳng hạn.
- Tình trạng liên tục điều chỉnh quy hoạch ở nhiều đô thị, làm tăng mật độ xây dựng và dân cư tại chỗ, góp phần khiến cho những yêu cầu về tính chất xanh của đô thị càng khó được thực hiện. Theo ông, giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng này là gì?
- Thật ra, ở các nước phát triển, hệ thống tiêu chí đô thị xanh vẫn đang được nghiên cứu, chứ chưa hẳn có nơi nào thực hiện một cách bài bản cả.
Trong bối cảnh chưa có đầy đủ công cụ pháp lý thúc đẩy đô thị phát triển xanh, chúng ta vẫn có thể góp phần thúc đẩy điều này bằng việc hướng dẫn các khu vực đô thị mới thực hiện theo tiêu chuẩn phát triển bền vững. Đồng thời các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa việc tạo công cụ pháp lý nền tảng phù hợp, chặt chẽ, bảo đảm công bằng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng, sử dụng không gian sống của ba bên: nhà đầu tư, người dân và chính quyền. Chỉ có công cụ pháp lý chặt chẽ mới có thể giải quyết được căn cơ tình trạng này.
Thí dụ: ở Bắc Mỹ, có các điều luật về việc cải tạo, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu vực đô thị, trong đó quy định: chính quyền sở tại phải trưng cầu ý kiến của cư dân và phải đạt được tỷ lệ đồng thuận nhất định, được ghi rõ trong điều luật. Khi cư dân mua nhà ở một khu vực, họ không đơn thuần chỉ mua cái nhà, mà còn "mua" cả không gian sống ở đó, với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cụ thể, nên mọi sự thay đổi về quy hoạch, cho dù từ tác động của chính quyền hay của nhà đầu tư, đều phải nhận được tỷ lệ đồng thuận cao của cư dân, chứ không được phép xâm phạm lợi ích trực tiếp của họ.
Giữ bản sắc của đô thị có yếu tố di sản
- Việt Nam còn có những đô thị cổ, cũ nhưng việc gia tăng mật độ dân cư và chức năng mới đã phần nào làm mất đi đặc trưng của chúng. Chủ đề này được đề cập như thế nào tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022, thưa ông?
- Tại Diễn đàn, tôi có phát biểu ý kiến liên quan chủ đề này. Để giữ được bản sắc của một đô thị cổ, cũ, tôi cho rằng cần xác định rõ đặc trưng của nó để đưa ra hướng phát triển phù hợp. Tôi đã từng đặt câu hỏi: có cần thêm một Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh ở cao nguyên nữa không khi viết một bài báo về hướng phát triển của Đà Lạt. Câu ví von "thành phố trong rừng hay rừng trong thành phố" dành cho Đà Lạt có lẽ chỉ còn là quá vãng. Nếu nhìn trên không ảnh, trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt hiện chỉ còn duy nhất khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng là xanh, còn lại đã được bê-tông hóa hết rồi.
Phát triển, làm tăng giá trị sống ở một khu vực không có nghĩa chỉ là tăng mật độ xây dựng, sự hiện đại cho hạ tầng cơ sở, tỷ lệ phi nông nghiệp... một cách máy móc mà còn là tăng không gian xanh, tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện có..., tức là cần cái nhìn rộng hơn để cho một số đô thị đặc thù về thiên nhiên, di sản văn hóa và kiến trúc vẫn có cơ chế phát triển, nâng cấp đô thị phù hợp, và nhận được chính sách ưu đãi của nhà nước.
Tại Diễn đàn, điều đáng mừng là cơ quan chức năng đã nhận diện rõ ràng hơn về khía cạnh này và cũng đang có những dự kiến điều chỉnh phù hợp. Đại diện Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất nâng cấp Thừa Thiên Huế lên đô thị loại 1 mang đặc thù di sản, tức là có thể bỏ qua, chứ không áp dụng cứng nhắc một số tiêu chí khung của hạng đô thị này để tạo điều kiện nâng cấp đô thị nhưng vẫn đáp ứng việc giữ gìn đặc thù đô thị di sản xanh.
- Tương lai đô thị Việt Nam, ít nhất là 10 năm tới, trong hy vọng của ông?
- Tôi hy vọng nhiều về nâng cao chất lượng chứ không đơn thuần chỉ là số lượng đô thị (cười). Việt Nam chúng ta có địa lý đa dạng và nên duy trì, phát triển được sự phong phú của mạng lưới đô thị: có đô thị cao nguyên, đô thị ven biển, đô thị ở vùng đất thấp và cả siêu đô thị (metropolis). Những điểm còn yếu trong nền tảng pháp lý cho phát triển bền vững đô thị sẽ sớm được các cơ quan chức năng quan tâm điều chỉnh. Nhất là cần chính sách thiết thực thúc đẩy phát triển đô thị xanh, như giảm thuế hằng năm cho các nhà đầu tư sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phạt nặng các nhà đầu tư, quản lý không tuân thủ quy hoạch để xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập lụt, làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc giải quyết hậu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!