Thúc đẩy việc xây dựng trường học tại các khu đô thị

Hà Nội hiện có khoảng 339 trường học được quy hoạch tại các khu đô thị, khu nhà ở, nhưng đến nay mới hoàn thành hoặc đang xây dựng được 117 trường. Tiến độ triển khai chậm đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế khu vực xây dựng trường học tại địa bàn quận Hoàng Mai. (Ảnh GIA HUY)
Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế khu vực xây dựng trường học tại địa bàn quận Hoàng Mai. (Ảnh GIA HUY)

Trước tình trạng thiếu trường, thiếu lớp nhưng các ô đất quy hoạch trường học tại các khu đô thị lại bỏ hoang nhiều năm, quận Hoàng Mai đã tăng cường đôn đốc, rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường học theo quy hoạch.

Đối với các chủ đầu tư chậm triển khai, quận kiên quyết kiến nghị thành phố thu hồi ngay các ô đất quy hoạch để giao cho quận triển khai xây dựng trường công lập.

Đến nay, trên địa bàn đã có một số dự án bàn giao lại đất cho quận. Đơn cử, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã bàn giao 19 ô đất cho quận Hoàng Mai, trong đó có bốn ô đất để xây trường học. Nhận được quyết định bàn giao, quận đã khẩn trương triển khai.

Trong tháng 9/2023, Hội đồng nhân dân quận Hoàng Mai đã họp thông qua chủ trương đầu tư bốn dự án xây dựng trường học tại bốn ô đất này. Ủy ban nhân dân quận đã điều chỉnh quy hoạch và tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng…

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố mới có một số ít ô đất quy hoạch xây trường tại các khu đô thị được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Theo quy định, các khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm xây dựng trường học theo phương thức xã hội hóa đầu tư hoặc bàn giao cho thành phố để đầu tư từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư sau khi xây và bán xong nhà thì đã không tiến hành xây dựng trường học.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên; trong đó, 119 dự án có quy hoạch 339 trường học, nhưng đến nay, mới hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng 117 trường học, chưa triển khai xây dựng 269 trường.

Đơn cử, tại Khu dự án nhà ở quân đội Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên), các ô đất quy hoạch xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sau nhiều năm vẫn đang là bãi đất trống quây tôn. Tại Khu đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai), ô đất quy hoạch trường học đã bỏ hoang hơn 20 năm mà chủ đầu tư không triển khai…

Qua giám sát, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, các dự án trường học tại các khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ do nhiều nguyên nhân. Về quy hoạch, một số dự án chuyển tiếp từ thời kỳ tỉnh Hà Tây (trước đây), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) sáp nhập về thành phố Hà Nội phải thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và các quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt. Một số dự án có nhu cầu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết các khu đất trường học thành các trường liên cấp để phù hợp thực tiễn phát triển giáo dục, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, các dự án do chủ đầu tư trình duyệt chưa rõ kế hoạch đầu tư xây dựng công trình trường học, phân kỳ đầu tư, phân giai đoạn đầu tư. Các dự án khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt chỉ quy định tiến độ chung cho cả dự án, chưa quy định cụ thể tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nhà trẻ, trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác.

Thời điểm thực hiện xây dựng các công trình trường học và hạ tầng xã hội khác không rõ ràng. Điều đáng nói là trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư của khu đô thị, khu nhà ở tự ý chuyển nhượng ô đất trường học cho chủ đầu tư thứ cấp khi chưa đủ điều kiện.

Do đó, quá trình hoàn thiện theo quy định pháp luật đất đai gặp nhiều khó khăn trong công tác giao đất, làm cho dự án chậm triển khai, quá trình bàn giao đưa vào sử dụng không bảo đảm tiến độ dự án được duyệt.

Trước tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề xuất, khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu vực này, tránh gây quá tải. Bên cạnh đó, khi thành phố lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tính toán tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đã có các văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục những hạn chế về quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên trên địa bàn. Đối với hệ thống trường học tại các khu đô thị, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành theo tiến độ. Các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát, phân loại, đề xuất các phương án giải quyết các vướng mắc cụ thể đối với các trường hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.