Lan tỏa tinh thần sẻ chia của người Việt

LTS-Dù là những dự án lớn, hay chỉ những việc làm bình thường, cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới luôn có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn, đóng góp cho đất nước sở tại và có nhiều hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc. Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại nước ngoài ghi lại những câu chuyện bình dị, nhưng tỏa sáng truyền thống nhân ái, sẻ chia của dân tộc.

Bà Huyền (trái) tại một điểm xét nghiệm Covid-19.
Bà Huyền (trái) tại một điểm xét nghiệm Covid-19.

Tâm sáng bác sĩ kiều bào

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu Huyền và ông Trần Văn Năng được kiều bào Việt Nam ở Lào khen ngợi là vợ chồng bác sĩ nhân ái, luôn tận tụy vì người bệnh, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng và đóng góp cho quê hương, đất nước. Ông bà luôn tâm nguyện chữa bệnh cứu người, góp phần xây dựng cộng đồng kiều bào tại Lào, góp công sức nhỏ bé cho cả hai đất nước.

Hồi mới sang Lào, vợ chồng bà Huyền đã tìm kiếm đối tác, xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh của người Việt ở Lào, rồi dần phát triển thành Bệnh viện đa khoa Hà Nội-Vientiane hiện nay, là bệnh viện đa khoa hạng I­ với 100 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản. Là Giám đốc bệnh viện, nhưng hằng ngày ông Năng vẫn trực tiếp thăm khám cho người bệnh. Bệnh viện áp dụng chính sách giảm phí khám, chữa bệnh đối với kiều bào có hoàn cảnh khó khăn, một số trường hợp đặc biệt, ông bà còn giúp chi trả toàn bộ viện phí.

Dịch Covid-19 bùng phát đợt hai tại Lào hồi tháng 4, trong đó có Thatluang Tay, khu vực có đông người Việt sinh sống tại Thủ đô Vientiane. Ông bà đã thúc đẩy Hội người Việt Nam Thủ đô Vientiane đề nghị cho lập một điểm lấy mẫu riêng tại đây. Các cơ quan của Lào sau đó vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng dập tắt ổ dịch.

Ông Trần Đại Thắng, Bí thư thứ nhất phụ trách công tác giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, khi dịch lan đến ký túc xá sinh viên Việt Nam tại Lào, bà Huyền đã đề nghị Bộ Y tế Lào lập điểm xét nghiệm riêng, qua đó kịp thời phát hiện nhiều trường hợp F0 tại đây. Ký túc xá bị phong tỏa, bà Huyền trực tiếp chuyển lương thực, thực phẩm và vật dụng cần thiết tới hỗ trợ sinh viên.

Được tin nhiều kiều bào là F0 tại các bệnh viện dã chiến gặp khó khăn, bà Huyền lại tất tả vận động Ban Phụ nữ của Hội tổ chức nấu ăn hỗ trợ người bệnh. Vợ chồng bà Huyền còn đóng góp xây dựng phòng xét nghiệm truyền nhiễm tại tỉnh Luang Prabang, hỗ trợ kiều bào tại tỉnh Khammouane và tích cực tham gia đóng góp trong các đợt vận động quyên góp hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống dịch Covid-19.

Với tấm lòng nhân hậu, tâm sáng, vì cộng đồng tại Lào và luôn hướng về quê hương, đất nước, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền thật sự là điển hình tiêu biểu, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của cộng đồng người Việt ở “đất nước Triệu voi”.

Trần Xuân Sơn (từ Vientiane)

Đồng lòng Việt Nam

“Khi đang phải gồng mình trong đại dịch Covid-19, nhận những vật phẩm y tế, được tư vấn trực tuyến từ quê nhà…, chúng tôi cảm nhận rõ rệt nhất là đất nước luôn bên mình” - tâm sự của Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Nga Trần Phú Thuận đã nói giúp tâm tư của cộng đồng người Việt nơi “xứ sở bạch dương”. Trải qua mất mát vì dịch bệnh, những người con xa Tổ quốc càng thấm thía tình cảm quê hương. Khi đất nước đối mặt làn sóng dịch, từ trăn trở phải làm gì để sẻ chia, dự án “Đồng lòng Việt Nam” ra đời.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Quỹ Truyền thống và hữu nghị, Hội Người Việt Nam tại Nga đã phát động đợt quyên góp rộng khắp trong cộng đồng hướng về Tổ quốc. Chủ tịch Hội Đỗ Xuân Hoàng cho biết, đây là lần đầu tổ chức thực hiện quyên góp theo hình thức trực tuyến. Cách làm này vừa bảo đảm tính minh bạch, an toàn, tuân thủ luật pháp sở tại, vừa giúp kiều bào từ khắp nơi, đều có thể tham gia đóng góp.

Lan tỏa tinh thần sẻ chia của người Việt -0

Lễ tiếp nhận quyên góp của Dự án Đồng lòng Việt Nam. 

Giám đốc Quỹ Truyền thống và hữu nghị Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, chỉ sau hai tháng phát động, dự án đã nhận được hưởng ứng tích cực của hàng chục doanh nghiệp, hàng nghìn cá nhân, bằng cả trái tim, đồng hành cùng dự án, đồng lòng cùng đất nước.

Ngay khi câu chuyện về một sinh viên Việt Nam tại thành phố Ulan-Ude, thuộc Cộng hòa Buryatia xa xôi của Nga, dành một tháng học bổng để đóng góp, được chia sẻ, lập tức, vùng Buryatia sáng rực trên bản đồ của dự án, ghi nhận thêm nhiều tấm lòng. Nhiều vùng miền trên khắp nước Nga cũng lần lượt tỏa sáng, từ Viễn Đông đến miền tây, từ vùng rừng Taiga kỳ vĩ đến Siberia xa xôi.

Số tiền 3,2 tỷ đồng mà dự án “Đồng lòng Việt Nam” quyên góp được trong hai tháng là tấm lòng của cộng đồng người Việt tại Nga. Và điều quan trọng hơn, như đánh giá của ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng ban Công tác cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, mô hình dự án có thể được nhân rộng trong các hoạt động tiếp theo của cộng đồng, với niềm tin rằng cùng sẻ chia, đồng lòng, chúng ta sẽ sớm khống chế dịch bệnh, phục hồi và tiếp tục phát triển.

Quế Anh-Thanh Thể (từ Moscow)

Tấm lòng nhân hậu

Với cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Preah Sihanouk, thủ phủ tỉnh duyên hải Preah Sihanouk, phía tây nam Vương quốc Campuchia, cái tên Kim Chang đã trở nên quen thuộc từ lâu. Không hẳn vì đó là tên của chủ nhân tiệm vàng nổi tiếng, mà bởi người phụ nữ ấy thường xuyên giúp đỡ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Chị quê gốc Trà Vinh, theo bà con sang Campuchia từ hơn ba chục năm trước. Hồi mới sang Campuchia, sống ở ngoại ô Phnom Penh, chị làm bánh mang ra chợ bán. Bánh ngon, được bà con mua giùm, lâu dần có vốn chị mở hàng cơm. Chị chăm chỉ, khéo tay, biết làm nhiều món ăn Việt Nam, hàng cơm của gia đình thu hút đông khách, dần chị mở thêm dịch vụ rửa xe ô-tô. Thấy ai khó khăn là chị giúp đỡ, lúc thì biếu chút tiền mua thuốc, khi thì nhận con cái họ vào phụ việc trong nhà hàng, bày cho biết nghề.

Năm 2009, chị được bà con tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk. Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam kể: Những năm qua, chị Kim Chang tích cực tham gia các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt ở nước nhà. Chị cũng thường xuyên cùng cán bộ Hội thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thành phố biển Preah Sihanouk hứng chịu đợt tấn công nghiêm trọng của dịch Covid-19, sau sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Trong nhiều tuần, chính quyền tỉnh thực hiện biện pháp phong tỏa, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk phối hợp Hội Khmer-Việt Nam đã khẩn trương tổ chức vận chuyển lương thực, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đến hỗ trợ bà con ở “khu vực đỏ” và cả những người Việt Nam không kịp trở về nước do dịch bệnh.

Chị là hạt nhân ban đầu lan tỏa tinh thần nhường cơm sẻ áo trong cộng đồng” - ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk nhớ lại.

Tâm niệm đất nước Chùa Tháp là quê hương thứ hai, chị Kim Chang hết lòng phấn đấu xây dựng sự nghiệp, góp phần vào dòng chảy của nền kinh tế sở tại. Bà con gốc Việt thương mến chị vì đức tính cần cù, chịu khó vươn lên, luôn sẻ chia, giúp đỡ đồng bào còn khó khăn.

Nguyễn Hiệp (từ Phnom Penh)

Lan tỏa tinh thần sẻ chia của người Việt -0

Chị Kim Chang hướng dẫn khách mua hàng. 

Truyền thống tương thân, tương ái

Những ngày đầu tháng 4/2021, làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát mạnh, làm xáo trộn cuộc sống của người dân Thái Lan. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan cũng chịu tác động nặng nề, song vẫn rất tích cực tham gia các đợt quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch trong nước. Bằng nhiều hình thức khác nhau, bà con không chỉ ủng hộ đồng bào trong nước và kiều bào gặp khó khăn, mà còn tham gia và hỗ trợ người dân Thái Lan chống chọi dịch bệnh.

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom cho biết, khi được tin trong nước vận động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19, bà con kiều bào hưởng ứng rất tích cực. Đặc biệt, bà Trần Thị Xa tham gia các đợt vận động quyên góp và nhiều hoạt động khác. Gia đình bà cũng thường xuyên hỗ trợ người Thái gặp khó khăn, với nhiều hoạt động như quyên góp tiền, thiết bị cho các bệnh viện, cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo... Bà Xa nói: “Chia sẻ khó khăn với người khác không có gì to tát, tôi quan niệm rằng, mình cứ làm việc tốt thì sau này sẽ gặp được việc tốt”.

Lan tỏa tinh thần sẻ chia của người Việt -0

Một điểm phát suất ăn miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn của kiều bào ta tại Thái Lan. 

Sở hữu chuỗi nhà hàng ở Thủ đô Bangkok, song gần hai năm đại dịch bùng phát, gia đình chị Vân Anh đã phải đóng một số cơ sở, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhưng, gia đình chị vẫn gửi tặng hàng chục suất quà bằng tiền mặt cho những lao động người Việt đang gặp khó khăn, tổ chức nhiều đợt tặng quà cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Các thành viên gia đình cùng nghĩ rằng, trên tinh thần tương thân, tương ái, họ chia sẻ tấm lòng để hỗ trợ các y, bác sĩ Thái Lan trên tuyến đầu chống dịch.

Ở Bangkok, còn có nhiều nhóm người Việt khác tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ. Với họ, đó là việc làm hết sức bình thường, xuất phát từ truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

Nam Đông (từ Bangkok)

Nổi bật tinh thần đoàn kết quốc tế

Nhiều ý kiến nhắc đến Việt Nam như điển hình về tinh thần đoàn kết quốc tế đã được phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại trong dịp tham dự hai hội báo Avante (Tiến lên) và l’Humanité (Nhân đạo) - ngày hội truyền thống của những người cộng sản và các tầng lớp lao động ở Bồ Đào Nha và Pháp.

Nói về tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai nước và tinh thần quốc tế của Việt Nam, đồng chí José Capucho, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, nhấn mạnh: Chúng ta có cùng chí hướng của người cộng sản. Tình đoàn kết với Việt Nam không phải bây giờ mới có, mà từ khi Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Tình đoàn kết quý báu là nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua thách thức, bền bỉ đi đến thành công. Dù xa cách về mặt địa lý, tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố, cùng theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, đóng góp cho hòa bình và hạnh phúc trên thế giới. Dù còn khó khăn do dịch bệnh, Việt Nam vẫn hỗ trợ chúng tôi chống dịch.

Đồng chí Patrick Le Hyaric, Tổng Biên tập báo l’Humanité cho rằng, Việt Nam luôn là một điểm nhấn quan trọng trong nhiều giai đoạn lịch sử của thế kỷ 20 và 21, được bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ. Đó là cuộc đấu tranh anh dũng thống nhất đất nước, cũng như ý chí vượt mọi thách thức, như thể hiện trong đại dịch Covid-19. Sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế, trong các hoạt động hợp tác với bạn bè truyền thống, luôn mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần phát huy tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Anh Albert Tejedor, một người bạn Bồ Đào Nha cho biết: Tôi và nhiều người ở Bồ Đào Nha rất cảm động về tinh thần đoàn kết và nghĩa hiệp của các bạn Việt Nam, tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho bạn bè Bồ Đào Nha, Pháp và nhiều nước khác. Điều đó đã lan tỏa tinh thần và hình ảnh Việt Nam. Các bạn đoàn kết trong nước và cả quốc tế.

Albert Tejedor nói: Tôi rất tâm đắc với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tôi tin rằng, đoàn kết, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch, đi tới thành công mong đợi.

Lan tỏa tinh thần sẻ chia của người Việt -0
 Bạn bè Pháp ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam.