Thuở nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta xây dựng kinh đô đã lấy núi cao làm thành lũy, dựa vào sông chảy quanh vùng làm hào sâu, nhờ thế khi tiến có thể đánh bại quân thù, khi phòng thủ tướng sĩ bảo toàn lực lượng. Từ đó, kinh đô Hoa Lư, trở thành trung tâm quyền lực phong kiến của nước Đại Cồ Việt.
Trải qua hơn 1.000 năm tác động của tự nhiên, con người, dấu tích lâu đài, cung điện ở vùng đất này chỉ còn một số đoạn tuyến tường thành đắp bằng đất, đá, gạch, được ngành chức năng khai quật khảo cổ. Năm 2021, cuộc khai quật ở cánh đồng Nội phía nam đền Vua Đinh thuộc Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư làm phát lộ một phần nền móng kiến trúc của người xưa, trong đó có ba cụm cọc lớn đóng sâu từ 1,8 m đến 2,5 m có gia cố cọc.
Đây là lối kiến trúc giai đoạn Đại La, sau đó được nhà Đinh sử dụng lại ở giai đoạn đầu dựng nước. Ngoài ra, di vật thu được gồm nhiều loại gạch, ngói, đồ gốm sứ, sành có niên đại kéo dài từ trước Công nguyên đến thời Đinh-tiền Lê. Trong đó, gạch, ngói giai đoạn thế kỷ 7-9 có số lượng nhiều nhất. Kết quả đó, bước đầu cho phép các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học và ngành chức năng ở tỉnh Ninh Bình nhận định kinh đô Hoa Lư có hai khu vực chính là: Thành Nội và Thành Ngoại.
Mới đây một cuộc khai quật khác ở phía nam đền thờ Vua Lê Đại Hành đã phát lộ nhiều di vật là vật liệu xây dựng, đồ gia dụng bằng gốm, bằng sành phản ánh sinh động công cuộc dựng nước, giữ nước cũng như phản ánh cuộc sống trong cung đình triều đại nhà Đinh, nhà tiền Lê và của người dân vùng kinh đô Hoa Lư, gắn với sự hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt.
Sau này, nhà Lý phát tích cũng ở kinh đô Hoa Lư. Khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô với hai công trình nổi tiếng về kiến trúc được nhân dân xây dựng trên dấu tích cung điện cũ là đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành, lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia gắn với lễ hội truyền thống Hoa Lư. “Với những giá trị nổi bật về kiến trúc, hòa quyện cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi cao soi bóng sông Sào Khê, Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2014, Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”, ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư chia sẻ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025) đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội xác định rõ: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư. Thực hiện nghị quyết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ninh Bình từng bước phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, trong trạng thái bình thường mới. Năm 2021, chỉ số GRDP của tỉnh tăng 5,73%, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội giữ vững. Tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu.
Để Ninh Bình trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực, các bộ, ngành chức năng cần sớm rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, xây dựng đề án tổng thể về bảo tồn, khai quật khảo cổ, để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vùng Cố đô Hoa Lư và lưu vực sông Hoàng Long chảy qua Ninh Bình.
Tháng 3 âm lịch hằng năm, khi mưa xuân chưa ngớt, lễ hội truyền thống Hoa Lư phất cao cờ thiêng lại khiến trăm dân, muôn họ nô nức hướng về kinh đô xưa, tưởng nhớ công đức các bậc tiền bối thuở dựng nước.
Bài và ảnh: LÊ HỒNG