Ngay thời điểm dự báo đợt dịch thứ tư bùng phát, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau được phân công “nằm vùng” tại các nơi trọng yếu ở tuyến huyện. Các đồng chí “ba cùng” với địa phương, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch ở cơ sở.
Chắc tuyến đầu, vững tuyến cuối
Ở tuyến đầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) tỉnh Cà Mau thiết lập các chốt kiểm soát đường bộ, đường thủy và giao Bộ đội Biên phòng quản lý vùng ven biển, tạo thành vòng vây khép kín địa bàn, không để người không được kiểm soát vào tỉnh. Cà Mau cũng thành lập các tổ giúp việc chuyên trách, phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm trách theo nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ đó mà việc tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành luôn linh hoạt và kịp thời theo tình hình chuyển biến mới nhất của dịch bệnh.
Suốt chặng đường dài đồng hành tuyên truyền cùng Ban Chỉ đạo Cà Mau, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cuộc họp đột xuất ba cấp kéo dài đến khuya lơ khuya lắc. Những lần như vậy chỉ kịp thông báo trước 30 phút nhưng hầu hết các đầu cầu trực tuyến trong tỉnh đều có mặt đầy đủ. Nhờ đó, chỉ đạo và phương án ứng phó mới từ trên được triển khai kịp thời xuống tận cơ sở, huy động sự tham gia hỗ trợ của đông đảo quần chúng nhân dân. Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 9/2021, Cà Mau hoàn thành xong ba vòng xét nghiệm, sàng lọc toàn dân.
Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra ngay lúc hàng chục nghìn lao động di dân về Cà Mau. Đây là thời điểm nhạy cảm và nóng bỏng về phòng, chống dịch. Bởi vậy mà ngay trong đêm khi vừa về đến Cà Mau, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy triệu tập họp khẩn trực tuyến đến tận khuya. Trên tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất để lo nơi ăn, chốn ở và bảo đảm an toàn cho dòng người về quê, hơn 300 trường học các cấp trong tỉnh nhanh chóng được huy động làm nơi cách ly tập trung cho hơn 25.000 người; hơn 1.000 nhà vệ sinh dã chiến được gấp rút hoàn thành để lắp đặt bổ sung tại những điểm trường học làm nơi cách ly F1; hơn 5.860 Tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 17.800 người được huy động để hỗ trợ phòng, chống dịch ở cơ sở. Đây cũng là lần “sát hạch” thành công thứ hai về phản ứng nhanh đối với hệ thống phòng dịch ở Cà Mau, kể từ đầu năm 2021.
Toàn dân chung tay chống dịch
Trong đợt cao điểm dòng người hồi hương, Cà Mau đã huy động sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội, các hội, nhóm từ thiện và nhân dân địa phương. Cộng đồng ấy không ngại thức khuya dậy sớm để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm giúp dòng người về quê no bụng, ấm lòng. Đây cũng là bí quyết giúp Cà Mau “yên dân” để tập trung phòng, chống dịch.
Khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tần suất lãnh đạo tỉnh Cà Mau đi kiểm tra đột xuất ở cơ sở nhiều hơn trước. Các vị lãnh đạo dấn thân vào tận nơi cách ly F1, xuống nhà dân các nơi hẻo lánh… để nắm bắt tình hình, chỉ đạo chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong phòng, chống dịch. Thấy rõ tinh thần quyết liệt, tiến công không lùi bước của lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và chính quyền cơ sở càng sâu sát hơn để bám nắm địa bàn, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo tỉnh cải hoán thêm được bảy bệnh viện dã chiến và nâng công suất điều trị F0 tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Đến đầu tháng 11, tổng công suất tiếp nhận, điều trị F0 ở Cà Mau được nâng lên hơn 3.100 ca, tăng hơn gấp ba lần so với một tháng trước đó.
Phục vụ cho hệ thống thu dung, điều trị, tiêm phòng nhanh…, bên cạnh hơn 6.200 nhân lực chuyên môn, hệ thống phòng, chống dịch ở Cà Mau huy động thêm lượng lớn nhân lực y tế ngoài công lập, các bác sĩ, điều dưỡng đã nghỉ hưu, cả sinh viên và tình nguyện viên trường y. Cũng nhờ đó, Cà Mau hoàn thiện 101 trạm y tế lưu động tại 101 xã, phường, thị trấn; bảo đảm tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc… cho khoảng hơn 7.000 ca F0 tại nhà. Công tác hậu cần huy động thêm sự vào cuộc của MTTQ và đoàn thể các cấp, giúp các F0 cải thiện bữa ăn, nâng cao thể trạng sức khỏe để vượt qua bệnh tật, giảm đáng kể nguy cơ tử vong do Covid-19.
Bài và ảnh: HỮU TÙNG