Đầu năm đó, vào ngày Tết Nguyên đán, mấy anh em nghiên cứu sinh Việt Nam cùng nhau tổ chức mời các giáo sư ăn Tết Việt Nam. Trước khi vào tiệc, chúng tôi thắp hương và đứng chắp tay trước bàn thờ tự tạo. Những thầy giáo Đức ngạc nhiên, hỏi đó là việc gì. Tôi nói đó là tục Thờ cúng Tổ tiên. Tại nơi thiêng nhất trong không gian sống của mỗi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ ấy-thờ Tổ tiên, dòng tộc, ông bà, cha mẹ, người ruột thịt… đã qua đời, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, phù hộ cho cả gia đình mình, con cháu mình và các thế hệ mai sau. Thực chất đó là tín ngưỡng riêng có của người Việt để tỏ lòng biết ơn, sự thành kính thiêng liêng hướng về cội nguồn, là tình yêu sâu thẳm không cách biệt âm dương, là sự cộng hưởng tình yêu con người tạo nên niềm tin, sức sống nội sinh của người Việt Nam chúng ta. Đó chính là lòng nhân ái, sự thương yêu nhau đã hằn sâu trong tâm thức, tâm lý từ ngàn đời nay.
Không một chút huyễn hoặc, tôi nghĩ rằng, tình yêu thương con người, lòng nhân ái đã có cội nguồn sâu xa trong lịch sử dân tộc ta từ ngàn đời nay, bởi vì, từ buổi bình minh ra đời của dân tộc này, tất cả chúng ta cùng một bọc, cùng “đồng bào”, đều là “con Rồng, cháu Tiên”. “Đất là nơi Chim về/Nước là nơi Rồng ở/Lạc Long Quân và Âu Cơ/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” (Nguyễn Khoa Điềm). Có lẽ không ai nghĩ về cái có thật của huyền thoại đó, nhưng trong tâm thức, tinh thần của mỗi người Việt Nam, dù thuộc về dân tộc cụ thể nào, đều cảm nhận sâu sắc cái nghĩa ẩn sâu trong huyền thoại đó. Đó là tình cảm ruột thịt, anh em yêu thương gắn bó, cùng một cội nguồn của cả dân tộc ta. Vì lẽ đó mà thay mặt đồng bào mình, Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Đó là một cội nguồn sâu thẳm nhất tạo nên lòng nhân ái, tình thương yêu ruột thịt của đồng bào ta từ ngàn xưa đến nay.
Lòng nhân ái-tình thương người xuất phát từ sự quý trọng, khẳng định và tự hào về chính những giá trị CON NGƯỜI. Cha ông ta cảm nhận thật là giản dị mà sâu sắc lạ thường “Người là HOA của ĐẤT”. Tình yêu thương dành cho con người chính vì con người là hoa đẹp nhất của đất. Vì vậy, con người, như là một lẽ tự nhiên, trong tình cảm của dân tộc ta, phải yêu thương, trân trọng nhau. “Thương người như thể thương thân”. Không một chút vụ lợi, không bao giờ là sự thương hại, là ban ơn, mà tình yêu thương đó mãi mãi là sự trân trọng, đồng cảm và thấu hiểu giữa con người với con người. Phải chăng, đó là giá trị đặc biệt của tinh thần nhân ái Việt Nam? Không có phẩm chất đó, chắc rằng, không có tình yêu đặc biệt trong sáng giữa công chúa Tiên Dung và chàng thanh niên nghèo khổ Chử Đồng Tử, giữa hoàng tử và cô Tấm bình dân. Không có phẩm chất đó sẽ không có sự kiện hiếm hoi trong lịch sử: Đánh tan giặc xâm lược vẫn cấp lương thực, thuyền bè cho kẻ bại trận trở về cố hương!
Từ cội nguồn sâu xa nêu trên, lòng nhân ái, tình thương người của cha ông ta, của dân tộc ta tiếp tục được giữ gìn, bồi đắp và phát triển qua quá trình vô cùng gian nan mà đầy tự hào cùng nhau khai phá giang sơn, mở mang bờ cõi và giữ gìn, bảo vệ đất nước. Sinh ra từ một bọc, người Việt đã dũng cảm, kiên cường vươn xa, lên rừng, xuống biển, khai phá đất mới phía nam, nhưng dù đi đâu, về đâu, cha ông ta vẫn đinh ninh lời thề “người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông, khắp trong bờ cõi cùng dòng anh em”… Cảm nhận tình cảm ruột thịt đó, những tháng ngày sống và làm việc với đồng đội, bà con ở Nam Bộ, tôi mới hiểu sâu hơn, thấm thía hơn cái phẩm chất đặc trưng của đồng bào mình ở vùng đất máu thịt này của Tổ quốc, đó là sự trọng tình, trọng nghĩa. Ai đó đã từng trải nghiệm để đúc kết rằng, Nam Bộ là vùng đất của dân tứ xứ hội tụ về vùng đất mới, đất hoang này đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thương yêu, đùm bọc nhau, luôn có nhu cầu giúp đỡ, tương trợ nhau để tạo dựng cuộc sống, vì thế ý thức và khát vọng cộng đồng trở thành và mặc nhiên tồn tại như là một giá trị đạo đức truyền thống hằn sâu trong tâm thức con người nơi đây. “Đùm bọc, cưu mang, vị tha, nhân ái, khoan dung với nhau, vì nhau” trở thành đặc trưng trong nếp cảm, nếp nghĩ và trong ứng xử của đồng bào Nam Bộ.
Cách đây ít năm, tôi đọc cuốn sách “Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa”, thật bất ngờ và cảm động khi biết được thông tin: “Năm 1945, nghe tin trong nạn đói ở miền bắc làm hơn 2 triệu người chết, đồng bào và tín đồ phật giáo Hòa Hảo đã tăng gia sản xuất, quyên góp lúa gạo để cứu trợ đồng bào miền bắc” (Theo “Phạm Bích Hợp-Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa”-Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.151).
Tâm lý, tình cảm cộng đồng, nhân ái, trọng tình, trọng nghĩa, bao dung, hiếu khách, vị tha, tích thiện, cứu trợ với vô vàn những hoạt động sâu rộng trong cả nước, từ xa xưa đến nay, đã trở thành hệ giá trị văn hóa bền vững của người Việt Nam chúng ta. Biết bao ca dao, dân ca, tục ngữ, câu chuyện dân gian,… do người dân lao động sáng tạo nên đã đúc kết cô đọng, dễ hiểu, trở thành chuẩn mực sống, thước đo đạo đức, và văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Chỉ xin nêu một vài dẫn chứng mà hầu hết chúng ta đều cảm nhận như một đạo lý được cha ông đúc kết và truyền lại cho đời sau.
Từ tình cảm yêu thương trong gia đình giữa vợ chồng như “xin đừng phụ nghĩa tào khang, bạc vàng dễ kiếm, bạn lang khó tìm”, giữa cha mẹ và con cái “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”, đến lòng nhân ái dành cho nhau, cho đồng bào, cho đất nước “Anh em cốt nhục đồng bào, vợ chồng là nghĩa, lẽ nào không thương” và “Nhà nghèo biết con hiếu thảo, nước loạn biết tôi trung”… Sau này, Bác Hồ căn dặn, “trung với nước, hiếu với dân” thì đó chính là đỉnh cao nhất của phẩm chất nhân ái của người Việt Nam ta. Miền nam đi trước về sau, chịu đựng vô vàn hy sinh, kiên cường chiến đấu vì miền bắc xã hội chủ nghĩa, vì thống nhất Tổ quốc. Theo tiếng gọi và khát vọng thiêng liêng ấy, suốt 30 năm ròng, đoàn quân dũng mãnh từ phía bắc của Tổ quốc đã vào nam cùng đồng bào, chiến sĩ miền nam lập nên kỳ tích lịch sử: Thống nhất Tổ quốc, giang sơn thu về một mối. Nam trong Bắc, Bắc trong Nam, Nam-Bắc vĩnh viễn hòa làm một, lòng nhân ái chan hòa trong mọi trái tim người Việt Nam yêu nước. Vượt qua những nỗi đau hằn sâu trong những năm đất nước bị chia cắt, với lòng nhân ái, tình cảm cộng đồng, trọng nghĩa, bao dung,… người Việt Nam từ nhiều phía đã gác lại quá khứ và đang kết tụ lại với nhau cùng hướng tới mục tiêu chung của cả dân tộc: Đất nước thống nhất và hùng cường, nhân dân bình đẳng và hạnh phúc, “Người yêu người, sống để yêu nhau” như mơ ước của nhà thơ Tố Hữu.
Trong cuộc sống bề bộn ngày hôm nay, khi tuổi đã cao, có lúc tôi thầm nghĩ, nhân ái là một tài sản tinh thần quý báu, song, phải chăng nó đã trở thành di sản thuộc về quá khứ? Mà di sản chỉ để chiêm ngưỡng, tôn vinh! Cuộc sống hiện tại như một dòng chảy xiết, ngổn ngang, nhiều ngã rẽ, đôi khi bất ngờ và nghiệt ngã, nhân ái còn lại ở đâu? Hơn hai năm qua, đất nước phải gồng mình gánh chịu những thách thức, tai họa như chưa bao giờ dồn dập đến thế. Mưa bão dữ dội, liên miên, lũ chồng lũ ở miền trung thân yêu. Đại dịch Covid-19 liên tục ập đến từ bắc vào nam, rồi từ nam lại ra bắc như một sức mạnh ma quái mà vô hình tàn phá cuộc sống. Cả nhân loại, cả dân tộc ta phải tìm “vũ khí” để chiến thắng sự cuồng nộ của thiên nhiên và của đại dịch. Vâng, dân tộc ta đã tìm được vũ khí: 5K, vaccine… Song, có một vũ khí, một sức mạnh tiềm ẩn ngay trong lòng dân tộc, trong mỗi con người Việt Nam đã được kích hoạt trở nên vô địch, đó là lòng nhân ái, tình yêu thương con người, sự đùm bọc, sẻ chia, sự cố kết cộng đồng, sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự bình yên trở lại của cuộc sống. Phút yếu lòng trong tôi đã qua đi. Lòng nhân ái đã và đang là một phẩm giá bền vững và thấm sâu trong đồng bào ta, hôm nay và mãi mãi mai sau.
Khi viết những dòng này, bỗng tôi nhớ đến một mẩu chuyện về Bác Hồ từ những năm đầu chống thực dân Pháp ở Việt Bắc. Gặp gỡ với một số học viên đang dự lớp tập huấn về chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Bác tâm sự và căn dặn: Các cô, các chú có đọc hàng trăm cuốn sách của Mác-Lê-nin, nhưng không yêu thương nhau thì đừng ai nói đã hiểu chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Thấu hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin và những phẩm chất cao đẹp của dân tộc ta, Bác Hồ đã chỉ ra sự gặp gỡ không thể tách rời giữa giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và phẩm giá nhân ái của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Lời căn dặn của Bác Hồ trở nên khẩn thiết đối với hôm nay, đối với chúng ta-những người đã nguyện đi theo con đường mà Bác đã chọn và nguyện giữ gìn thủy chung với phẩm chất nhân ái của dân tộc mình, nhân dân mình. Vâng, không thể và không được lãng quên điều đó.