Lan tỏa tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi

NDO - Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, luôn sáng tạo trong suy nghĩ và cách làm, anh Phùng Bình Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình ( Yên Bái ) đi đầu trong liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị để thành công bền vững. Anh Phùng Bình Minh là tấm gương nông dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái, được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phùng Bình Minh (người đứng giữa) hướng dẫn công nhân sản xuất gỗ ván thanh xuất khẩu.
Anh Phùng Bình Minh (người đứng giữa) hướng dẫn công nhân sản xuất gỗ ván thanh xuất khẩu.

Năm 2017, nhận thấy việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có tính ổn định cao, anh Minh đã đứng ra vận động, thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh với 8 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, trồng rừng, ươm cây giống lâm nghiệp. Nhờ đó, Hợp tác xã luôn chủ động được nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất liên tục mở rộng, thị trường tiêu thụ ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng được khẳng định.

Hợp tác xã đã tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Hội Nông dân Việt Nam, chủ động liên kết chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho hơn 2.000 hộ tại huyện Yên Bình tham gia chương trình FSC-COC (Chứng nhận hành trình sản phẩm do tổ chức Forest Stewardship Council cấp). Nhờ đó, tại huyện Yên Bình có hàng trăm ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC.

Anh Phùng Bình Minh chia sẻ, khi tham gia chương trình rừng chứng chỉ FSC, giá bán gỗ thường cao hơn giá thị trường từ 15-20%, thương hiệu sản phẩm từ gỗ rừng được nâng lên, vào được thị trường khó tính của châu Âu và châu Mỹ. Do được bảo vệ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất rừng tăng cao, trung bình đạt 150 tấn/ha. Đặc biệt, khi tham gia vào chứng chỉ FSC, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật mới thay thế kỹ thuật trồng rừng truyền thống, hiệu quả thấp.

Đến hết năm 2022, Hợp tác xã đã hợp đồng khai thác, thu mua và chế biến gỗ của các hộ dân được 26.000 m3gỗ/năm, cung ứng hơn 2 triệu cây giống lâm nghiệp, đạt doanh thu hơn 65 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 6,8 tỷ đồng.

Đến nay, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh đã hợp đồng liên kết với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Yên Bái cùng hàng trăm hộ nông dân trồng rừng và hàng chục hộ nông dân làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Đặc biệt, Hợp tác xã đã liên kết đầu tư mở 40 xưởng thu mua, chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng trên toàn tỉnh.

Sau hơn 6 năm hoạt động, từ 8 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã có 20 thành viên và hơn 2.000 hộ liên kết trồng rừng của 24 xã, thị trấn trong huyện Yên Bình, trong đó nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số như: Cao Lan, Dao, Tày...

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, anh Phùng Bình Minh cùng các thành viên Hợp tác xã trực tiếp tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng theo tiêu chuẩn của FSC cho các hàng trăm hộ nông dân. Anh Minh còn hướng dẫn kinh nghiệm đầu tư mở xưởng sơ chế gỗ cho các hộ có điều kiện và năng lực quản trị.

Ban đầu, anh Minh vận động, liên kết hợp tác với những hộ dân có diện tích đồi rừng lớn thành lập tổ hợp tác, từ đó tổ hợp tác là cánh tay nối dài cho Hợp tác xã đến từng hộ dân trong tất cả các khâu, từ cung ứng cây giống, chuyển giao kỹ thuật, thu mua lại nguyên liệu và sơ chế gỗ rừng trồng cho Hợp tác xã trước khi làm thành những sản phẩm gỗ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chị Phạm Thị Dịu, Tổ trưởng tổ hợp tác Hương Lý, tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình cho hay, nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh, tổ hợp tác đã có 16 hộ gia đình tham gia, với tổng diện tích rừng trồng tập trung hơn 70 ha. Toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã mua lại với giá cao hơn giá thị trường, sau khi trừ đi phần đầu tư ban đầu, mỗi hộ trồng rừng cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng ha/năm.

Còn anh Nguyễn Đức Quân, chủ xưởng xẻ Đức Quân, xã Tích Cốc, huyện Yên Bình chia sẻ, năm 2019 được anh Minh hướng dẫn, giúp đỡ thủ tục xin mở xưởng, ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm tôi được Hợp tác xã cho vay vốn không lấy lãi để đầu tư xây dựng nhà xưởng, chuyển giao công nghệ và phương pháp quản lý. Mặc dù thị trường tiêu thụ khó khăn, song xưởng sơ chế gỗ vẫn duy trì hoạt động với 6 công nhân, công suất từ 35 đến 40 m3 gỗ/ngày, cho thu nhập từ 6,5 đến 8 triệu/người/tháng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Bình Nguyễn Đức Vượng nhận định, mô hình liên kết sản xuất của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh đã tạo vùng trồng rừng và chế biến gỗ tập trung, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trồng rừng. Anh Phùng Bình Minh là điển hình một thế hệ nông dân mới, năng động, dám nghĩ dám làm, làm chủ khoa học công nghệ; anh còn là một trong những nông dân tiên phong phát triển theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hạnh phúc”.

Nói về dự định thời gian tới, anh Minh chia sẻ: “Tôi đang có ý tưởng vận động các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thành lập Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ gỗ rừng trồng theo chuỗi giá trị, góp sức cùng các tổ chức kinh tế tập thể, ngày càng phát triển nhanh và bền vững”.