Tuy nhiên, dữ liệu được công bố cho thấy một triển vọng khó đoán định, có cả tiềm năng phục hồi lớn bên cạnh nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng giảm tốc.
Trong tóm tắt báo cáo được gửi cho các lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước thềm cuộc họp tuần tới tại Ấn Độ, IMF cho biết hoạt động sản xuất tại các nước G20 đang thể hiện yếu kém trong khi trao đổi thương mại toàn cầu vẫn ở mức thấp, song nhu cầu dịch vụ lại mạnh mẽ, đặc biệt tại các nước có ngành du lịch đang phục hồi.
IMF không đề cập những điều chỉnh cụ thể so với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới là 2,8% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, song cho rằng các nguy cơ đe dọa nền kinh tế hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bao gồm nguy cơ xung đột Nga-Ukraine leo thang căng thẳng, lạm phát dai dẳng và áp lực tài chính gia tăng có thể làm gián đoạn các thị trường.
IMF cho rằng, lạm phát "dường như đã đạt đỉnh" vào năm 2022, trong đó lạm phát cơ bản dù đang hạ nhiệt dần song vẫn trên mức mục tiêu ở hầu hết các nước G20.
Theo IMF, những gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu hàng hóa giảm đồng nghĩa áp lực lạm phát liên quan các loại hàng hóa cũng giảm, nhưng việc đưa lạm phát trong ngành dịch vụ - vốn là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát cơ bản hiện nay- về tầm kiểm soát có thể cần nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, IMF cho rằng vẫn có khả năng lạm phát sẽ giảm nhanh hơn dự kiến, nhờ sản lượng hàng hóa và thị trường lao động ổn định, cũng như nhu cầu hàng hóa giảm giúp thị trường lao động bớt "nóng".
Trao đổi với các phóng viên, Người phát ngôn của IMF Julie Kozack dẫn dữ liệu thống kê của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tháng 6 vừa qua có mức tăng hằng năm thấp nhất trong 2 năm là dấu hiệu tích cực về thực trạng lạm phát, song cũng nhấn mạnh rằng lạm phát cơ bản, đặc biệt đối với ngành dịch vụ, vẫn chưa về đúng quỹ đạo.
IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tại các nước G20 duy trì cuộc chiến chống lạm phát, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở một số nền kinh tế, duy trì lãi suất thực trên mức trung lập cho đến khi "dấu hiệu lạm phát trở về mức mục tiêu trở nên rõ rệt".
IMF lưu ý các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác với các dấu hiệu áp lực với lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những rủi ro liên quan rủi ro lãi suất và các áp lực trong lĩnh vực bất động sản, và có thể cần triển khai các công cụ chính sách tài chính để kiểm soát các rủi ro này.
IMF kêu gọi thường xuyên tiến hành kiểm tra năng lực "chống sốc" của các công ty tài chính. Các nước G20 cần thắt chặt chính sách tài khóa để bảo đảm ổn định nợ công, tạo không gian tài khóa và hỗ trợ giảm lạm phát bằng cách giảm nhu cầu tích lũy.