Tạo động lực phát triển
Hơn 10 năm qua, hạ tầng giao thông vùng miền tây Nghệ An đã có sự đổi thay khá lớn với những cung đường kết nối đồng bằng với các huyện miền núi, tạo cơ hội kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế và mở hướng tư duy cho người dân vươn lên làm ăn, từng bước thay đổi cuộc sống. Nhiều tuyến đường quan trọng đã hoàn thành đưa vào khai thác, như Quốc lộ 48 nối Quốc lộ 1-thị xã Thái Hòa, dài hơn 29 km; đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương) dài 28,5 km; đường nối từ xã Hòa Sơn lên xã Tân Long (huyện Tân Kỳ) dài 28 km; đường Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền (tỉnh lộ543) dài 58 km,…
Ông Mùa Bá Vừ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: "Trước đây, ở Na Ngoi muốn đến bản Ta Đo, xã Mường Típ phải vòng ra thị trấn Mường Xén, qua xã Tà Cạ. Từ khi tuyến đường Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền hoàn thành, người dân Na Ngoi có thể đi thẳng ra Mường Ải, Mường Típ, rút ngắn hơn một nửa quãng đường so với trước".
Mặc dù có nhiều thay đổi, song thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông nông thôn ở miền tây tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, 124 thôn, bản đặc biệt khó khăn mới có đường xe máy đến trung tâm xã hoặc có đường ô-tô nhưng chưa được cứng hóa. Nhiều tuyến đường liên tục bị sạt lở, các cầu tràn trong mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập, chia cắt giao thông,...
Không chỉ vậy, việc nâng cấp hai tuyến đường tỉnh 541 và 543 thành Quốc lộ 16 với chiều dài gần 200 km chạy dọc biên giới, kết nối hai tuyến Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48, nối miền tây Nghệ An với các huyện miền tây Thanh Hóa đã tạo động lực lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.
Từ khi có tuyến đường, hoạt động kinh doanh, buôn bán các nông sản trong khu vực trở nên sầm uất hơn hẳn. Trước đây, từ thị trấn Mường Xén (huyện lỵ Kỳ Sơn) muốn sang thị trấn Kim Sơn (huyện lỵ Quế Phong), hay ngược lại, người dân đều phải xuôi về khoảng nửa quãng đường mới quay ngược trở lại, mất khoảng 6-7 giờ đồng hồ. Khi Quốc lộ 16 hoàn thành, thời gian đi lại chỉ còn một nửa.
Hiện nay, nhiều tuyến đường quan trọng nơi miền tây xứ Nghệ cũng đang được tích cực triển khai. Tuyến đường từ xã Huồi Tụ vào xã Keng Đu dài 43 km được coi là "xương sống" giao thông của huyện Kỳ Sơn nhưng lâu nay bị xuống cấp, trở thành một trong những tuyến đường xấu nhất miền tây Nghệ An. Sau bao năm mong đợi, tháng 12/2023, tuyến đường đã được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm.
Anh Nguyễn Văn Đán, trú tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ: "Nhiều năm trước, mỗi khi lên các huyện miền tây, nhất là Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, dù chỉ cách thành phố Vinh khoảng 200 km, nhưng phải vật vã cả ngày mới tới nơi, còn lâu hơn cả ra Hà Nội, chưa kể tới việc phải xuống các xã, bản nữa. Giờ đây, chất lượng tuyến đường từ Vinh lên miền tây đã đỡ hơn rất nhiều, có thể đi về trong ngày".
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) Lương Văn Ngam, từ xã ra thị trấn Mường Xén trung tâm huyện khoảng 70 km, nếu đi xe máy phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Khó khăn về giao thông cho nên nông sản của người dân làm ra rất khó bán, giá vật liệu xây dựng cao hơn gấp mấy lần so với ngoài thị trấn. Người dân trong xã đang mong từng ngày tuyến đường liên xã Huồi Tụ-Na Loi-Đoọc Mạy-Keng Đu hoàn thành và đưa vào khai thác, sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội của các xã miền núi rẻo cao này.
Một đoạn trên đường từ trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vào bản Búng. |
Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông
Mặc dù có nhiều thay đổi, song thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông nông thôn ở miền tây tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, 124 thôn, bản đặc biệt khó khăn mới có đường xe máy đến trung tâm xã hoặc có đường ô-tô nhưng chưa được cứng hóa. Nhiều tuyến đường liên tục bị sạt lở, các cầu tràn trong mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập, chia cắt giao thông,...
Điển hình như xã Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương vẫn chưa có đường từ trung tâm huyện về trung tâm xã. Mặc dù có Quốc lộ 16 đi qua, nhưng để từ trung tâm huyện đi các xã, vẫn phải đi vòng qua huyện Kỳ Sơn, vì vậy người dân chọn đi lại bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, miền tây Nghệ An hết sức đa dạng về tài nguyên du lịch, có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Ngoài cảnh vật thiên nhiên hấp dẫn, đây còn là nơi sinh sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An, lưu giữ nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc... Tuy nhiên, do giao thông đi lại quá khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển cho nên chưa phát huy được tiềm năng.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Đức An cho biết: Trong các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Đảng, Chính phủ và tỉnh Nghệ An đã chỉ rõ, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông khu vực miền tây Nghệ An tiếp tục là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng kết nối, liên hoàn thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các xã trong huyện, huyện này với huyện khác và khu vực miền tây với khu vực khác.
"Mặc dù được Trung ương quan tâm hỗ trợ, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển, nhưng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Nghệ An còn hạn chế. Việc huy động vốn đối ứng và đóng góp của nhân dân là vấn đề khá nan giải do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập người dân vùng cao rất thấp. Bên cạnh đó, đặc thù địa hình, khí hậu, thời tiết khu vực này cũng rất phức tạp, mưa bão, lũ lụt liên miên làm ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án giao thông... Do vậy, miền tây Nghệ An cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên, nhằm khơi thông nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông", ông Nguyễn Đức An nhấn mạnh.
Để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực miền tây, tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ để tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách cũng như thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho các huyện miền núi.
Trên cơ sở mạng lưới giao thông của địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện, thị xã có kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ các tuyến quốc lộ với khu kinh tế-công nghiệp, các vùng nguyên liệu ở miền tây. Việc đầu tư nên hướng tới trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung ưu tiên các công trình có tính lan tỏa; tăng cường hợp tác liên kết vùng, hợp tác quốc tế với nước bạn Lào và các nước trong Tiểu vùng Mê Công.