Mùa gừng năm 2019, gia đình anh Xồng Bá Lầu ở bản Buộc Mú, xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn trồng hơn nửa héc-ta gừng. Được hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng mới, sau 10 tháng chăm sóc, anh Lầu thu hoạch được 15 tấn gừng. Vụ năm nay, anh Lầu quyết định trồng hơn 1 ha gừng. Cũng như gia đình anh Lầu, nhiều hộ gia đình khác ở Kỳ Sơn, năm nay được mùa gừng, được giá. Giá giữa vụ thu hoạch từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, gấp đôi so với đầu vụ và năm trước.
Na Ngoi là địa phương có diện tích trồng gừng nhiều hơn trồng lúa rẫy, với hơn 270 ha, và chiếm gần một nửa diện tích huyện Kỳ Sơn. Nhiều gia đình người H’Mông “thắng” lớn với thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng từ gừng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn Nguyễn Xuân Trường cho biết: Gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa (gừng sừng trâu và gừng dé), được bà con dân tộc thiểu số trồng ở độ cao hơn 700 m, nơi có sương mù bao phủ quanh năm cùng điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, khiến gừng có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác. Nhờ sự giúp đỡ của Sở KH và CN, huyện đã xây dựng Đề án chỉ dẫn địa lý Gừng Kỳ Sơn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyết định bảo hộ ở 15 xã vùng cao dọc biên giới với diện tích quy hoạch gần 1.000 ha. Người dân được hướng dẫn trồng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, có lô-gô, bao bì mẫu mã đẹp cho sản phẩm Gừng Kỳ Sơn. Hơn 10 năm thu mua gừng để bán, Giám đốc HTX Hương Sơn Nguyễn Văn Luân cho biết: “Năm nay, nhờ có chỉ dẫn địa lý, Gừng Kỳ Sơn không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang EU với số lượng lớn”.
Bên cạnh đó, nhiều cây, con ở Kỳ Sơn đã, đang dần lọt vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ Sở KH và CN, nhiều chương trình, dự án khác đang phát huy hiệu quả, như: Đề án bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý là sâm Puxailaileng, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, tam thất hoang, bảy lá một hoa; bảo tồn giống bò địa phương; đưa một số cây ăn quả ôn đới về trồng ở Mường Lồng - nơi được ví như Sa Pa của xứ Nghệ...
Việc ứng dụng KH và CN vào các mô hình kinh tế, xã hội đang được triển khai bài bản ở miền tây Nghệ An. Huyện Quế Phong đang duy trì và phát triển các mô hình chanh leo, lúa Japonica, chè hoa vàng... để xóa nghèo bền vững. Huyện Tương Dương duy trì các sản phẩm thế mạnh như nghệ, cà chua múi, rau sạch, cá lồng bè. Huyện Con Cuông thúc đẩy chương trình trồng, chế biến cây dược liệu; du lịch cộng đồng… Nhiều mô hình, dự án thành công ở các huyện thuộc diện nghèo 30a đã tạo sự lan tỏa cho các địa phương khác ở miền tây Nghệ An học tập, làm theo.
Theo Giám đốc Sở KH và CN Trần Quốc Thành, phương châm của Sở khi triển khai các chương trình dự án KH và CN là phải nghiên cứu kỹ, làm đến cùng và phải có kết quả, đồng thời hỗ trợ, tác động vào các khâu còn thiếu trong chuỗi giá trị hàng hóa... Đến nay, đã có hơn 80 sản phẩm chế biến và cây, con ở các địa phương được áp dụng KH và CN. Nhiều sản phẩm có nhãn hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc… tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Hương trầm Quỳ Châu, gừng Kỳ Sơn, bơ Nghĩa Đàn, gà Thanh Chương, bưởi hồng Quang Tiến, chè shan tuyết… Hằng năm, các sản phẩm này cho doanh thu hàng chục tỷ đồng với lợi nhuận từ 15 đến 25%. Sở KH và CN còn phối hợp triển khai mô hình tưới nhỏ giọt cho mía, cam ở vùng Phủ Quỳ; chế biến thức ăn cho gia súc từ cây ngô; sản xuất giống chanh leo; sản xuất giống mía mới bằng phương pháp nuôi cấy mô cho năng suất cao, sạch bệnh; triển khai mô hình trồng xen canh mía với cây họ đậu nhằm tăng thu nhập; tác động tạo ra 35 sản phẩm trọng điểm để phục vụ khách du lịch… Chính quyền các địa phương đã định hình và lựa chọn được các sản phẩm cần ứng dụng KH và CN; có các bước đi, phương thức tác động và hỗ trợ phù hợp cho từng sản phẩm; có ý thức trong việc thành lập, hỗ trợ hoạt động của các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quan tâm nhiều đến quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Về phía người dân, phần lớn bà con dân tộc thiểu số đã có ý thức hơn trong việc tham gia các tổ chức sản xuất, kinh doanh; bảo vệ chất lượng, thương hiệu sản phẩm; phối hợp giúp đỡ nhau để cùng sản xuất, kinh doanh tốt, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo Sở KH và CN Nghệ An, khó khăn hiện nay là việc lồng ghép chương trình KH và CN với các chương trình, dự án khác ở các địa phương. Các chương trình, dự án KH và CN triển khai theo năm kế hoạch hoặc phải thông qua HĐND tại kỳ họp hằng năm, cho nên khi triển khai thường bị lệch so với thời vụ cây trồng, ảnh hưởng việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.