Covid-19 đi qua vùng bản
Sau Tết, chúng tôi có chuyến ngược nguồn du xuân miền Tây xứ Nghệ. Lên mới thẩm thấu cái rét ngọt nơi viễn xứ. Trên đỉnh Pu Xai Lai Leng, Pu Lon, Mường Lống…, những cánh hoa đào hoa mận nở xòe. Hùng vĩ, thơ mộng nhưng sâu trong mỗi vùng bản miền biên viễn này đã và đang căng mình chống chọi với dịch Covid-19.
Dọc đường đi, chợt nhớ cơn lốc Covid-19 đã vượt qua núi non hiểm trở trèo lên những vùng bản heo hút vốn dĩ lâu nay bình yên. Chằm Puông, bản vùng sâu xã Lượng Minh, với hơn 190 hộ người Khơ Mú, gần 1.000 khẩu, trong đó 110 hộ nghèo và hơn 60 gia đình cận nghèo nối với hai xã Chiêu Lưu và Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Cuộc sống bà con nơi đây còn khó khăn trăm bề, vậy mà tháng 7/2021 vừa qua, Chằm Puông bất ngờ trở thành ổ dịch. Có lẽ đây là ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở miền núi cao Nghệ An với tốc độ lây lan rất nhanh. Từ Chằm Puông, cơn lốc Covid-19 ồ ạt quét qua bản La Ngan, xã Chiêu Lưu... huyện Kỳ Sơn. Mới đây, “lốc” Covid-19 lại tràn xuống bản người Thái Chôm Lôm, xã Lạng Khê, bản Xát và lan nhanh đến một số vùng bản sâu, xa khác ở huyện dưới thấp Con Cuông. Dọc quốc lộ 48 dịch Covid-19 cũng bắt đầu xâm nhập đến các vùng bản xa xôi của các xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và bản người Thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu... làm cho cuộc sống người H’Mông, Khơ Mú, Thái vốn dĩ bình yên lâu nay bị xáo trộn khi con em đi làm ăn các tỉnh miền nam ồ ạt đi xe máy về bản mang theo dịch về. Dịch dã không còn những đêm quây quần bên chum rượu cần, con em ở nhà ngưng trễ việc đến trường học con chữ, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ... Đã nghèo nay lại đối diện với khó khăn chồng chất.
Những ngày qua, bà con dân bản Chằm Puông và nhiều bản làng khác nơi địa đầu miền Tây Nghệ An rất biết ơn các lực lượng chức năng không quản gian lao vất vả lao vào điểm dịch giúp đỡ bà con phòng, chống, điều trị. Biết ơn sự quan tâm sẻ chia của bà con bản dưới, mường trên đã kịp thời về vật chất, nhu yếu phẩm giúp bà con dân bản trong cơn hoạn nạn này.
Ngược lên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ở độ cao khoảng 1.200 m so mặt biển, giáp tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Đã bao lần lên “miền rét sương” này nhưng mỗi lần đều có một cảm giác giá lạnh tê tái buốt giá khác nhau, nhưng cảm nhận chung nhất vẫn là sự đìu hiu quạnh vắng miền biên ải.
Cái tên Nậm Cắn đọc đúng là “Nặm Căn” nghĩa là cùng chung nhau. Thì đúng vậy rồi, nhân dân hai huyện Kỳ Sơn - Noọng Hét, Nghệ An - Xiêng Khoảng đã uống chung một con suối và kết nghĩa anh em từ bao đời nay. Có người cho rằng, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là một trong những cửa khẩu “đìu hiu” nhất Việt Nam! Có lẽ phần nào đúng vì con số thu thuế xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này quá thấp, bây giờ, kỳ đại dịch Covid-19 lại càng đìu hiu, kim ngạch lại càng thấp hơn. Buổi sáng, lặng lẽ mù mịt trong sương mù, có lẽ buổi chiều nhộn nhịp hơn cả là đàn trâu, bò của người dân hai bên biên giới xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn - Việt Nam) và huyện Noọng Hét (Lào) sáng gặm cỏ nước Lào, chiều tối về ngủ ở Việt Nam và ngược lại. Trước đây, khi chưa xảy ra dịch, mỗi tuần một phiên chợ hữu nghị sát biên giới được mở để giao lưu hàng hóa. Có chợ biên, nghĩa là đã bớt “đìu hiu”.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Trung tá Trịnh Văn Quế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồn đã cùng với các lực lượng địa phương trên địa bàn và các lực lượng nước bạn Lào tích cực và rất hiệu quả trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và các loại tội phạm trên biên giới. Đặc biệt trong dịp đón Tết cổ truyền vừa qua, đồn đã triển khai kế hoạch tăng cường và duy trì lực lượng tại các chốt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an toàn an ninh biên giới quốc gia.
Niềm tin trên “cổng trời”
Đi qua Kỳ Sơn, huyện thuộc diện 30a của Nghệ An, thấy bà con người Thái, H’Mông, Khơ Mú các xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, dưới chân Pu Xai Lai Leng được hỗ trợ của các chương trình xây dựng mô hình phát triển kinh tế trồng dong riềng, gừng, bí xanh, nuôi lợn, gà đặc sản… cho thu nhập cao. Dãy Huồi Pịa trên xã Huồi Tụ như mái đầu bị cạo trắng trước đây giờ được thay tấm áo bởi chè shan tuyết mới phủ xanh. Những hàng chè shan tuyết như những đường kẻ xanh viền quanh thung núi như bức tranh thủy mặc. Từ Tổng đội thanh niên xung phong, những năm gần đây, Đảng bộ xã Huồi Tụ sớm xác định rõ cây con có hiệu quả kinh tế cao như trồng hàng trăm ha chè shan tuyết, phát triển nhiều mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập mỗi hộ mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Lên “miền quên lạc” (Mường Lống), nơi được mệnh danh là Sa Pa xứ Nghệ, nơi đây đang hình thành một vùng dược liệu áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hé mở một triển vọng mới khai thác tiềm năng về một du lịch sinh thái vùng miền tây Nghệ An. Ghé thăm Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH lại nhớ chuyện đêm 24/6/1964, một toán phỉ tập kích vào trại dược liệu đã làm 27 cán bộ hy sinh, nhớ đến chuyện đưa cây mận tam hoa về trồng thay cây anh túc, buổi đầu rớt giá thành “mận tam hoa tam buồn”... Chuyện ngày trước đêm về Mường Lống tối om và chuyện các thầy, cô cùng người dân phải chắt từng ca nước trong hốc đá để dùng... chỉ là những chuyện buồn cũ ở Mường Lống trước đây.
Còn chuyện vui mới hôm nay, Mường Lống đã có điện lưới, có sóng truyền hình, điện thoại di động, lên Mường Lống không còn gập ghềnh trắc trở... Ngoài đưa cây mận tam hoa, bây giờ Mường Lống còn có phong trào, trồng cỏ voi chăn nuôi bò vỗ béo, phát triển đàn gia súc, gia cầm đặc sản giống bản địa như lợn, gà đen H’Mông... Hiện, gà đen là đặc sản của huyện Kỳ Sơn đã thành một sản phẩm hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường.
Với diện tích 136 ha nằm ở độ cao hơn 1.300 m so mực nước biển, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm, Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống với mục tiêu khai mở vùng đất mới nơi “cổng trời” đang tiến hành trồng và khảo nghiệm hơn 30 loại dược liệu khác nhau trong đó có các giống chủ lực như: Sâm Pu Xai Lai Leng, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, bạch quả, đẳng sâm, đan sâm, đậu trọng, la hán quả, hà thủ ô đỏ... Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống Lầu Chia Lồng chia sẻ, hiện công ty đã tạo việc làm cho 30 lao động người địa phương, thực hiện chỉ tiêu phát triển hơn 40 loại cây dược liệu. Công ty đã hoàn thành đưa vào hoạt động nhà máy sơ chế dược liệu, thành lập các hợp tác xã sản xuất dược liệu tại Mường Lống, Huồi Tụ, Na Ngoi... Sau nhiều năm trở lại, một thế hệ mới ở Mường Lống, Na Loi... và nhiều vùng bản khác nơi miền biên viễn xứ Nghệ không còn ám ảnh chuyện cũ bởi sắc hoa anh túc và sự đói nghèo... Bây giờ lên Mường Lống có lẽ với mọi người chỉ “quên, lạc” lối về bởi hương sắc hoa đào, mận và dược liệu quý...
Ngày xuân viễn du trong đại dịch, đi chậm, sống chậm nơi vùng cao xứ Nghệ, còn nhiều chuyện mới đáng kể. Đó là dọc đường “ngang trời” quốc lộ 16 đã và đang hình thành những vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập bền vững cho nhiều vùng bản người H’Mông trên cao, người Khơ Mú lưng chừng núi và người Thái dưới thấp từng bước thoát nghèo sớm về đích nông thôn mới.