Kiên trì với cây quế bản địa
Quế Trà My có nguồn gốc là cây quế rừng đã được đồng bào Xơ Đăng, Mơ Nông… đem về trồng trong vườn nhà. Lúc đầu, mỗi gia đình chỉ trồng vài cây trong vườn, sau đó phát triển thành các vườn, đồi và rừng quế. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi cây quế Trà My được xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều gia đình ở huyện Trà My giàu lên nhờ trồng quế. Có thời điểm, người dân khai thác một cây quế chừng vài chục năm tuổi thu được lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên do thị trường bấp bênh, sản phẩm quế Trà My rớt giá khiến người dân lao đao. Mặt khác, sau những năm 90 của thế kỷ 20, do một số công ty đưa giống quế từ phía bắc vào trồng ồ ạt không chỉ làm cho diện tích quế Trà My thu hẹp mà còn làm cho chất lượng và thương hiệu quế Trà My bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, nhiều người phải chặt bỏ cây quế du nhập từ phía bắc, để trồng lại cây quế bản địa. Chính quyền các xã cũng chủ động tuyên truyền và và khuyến khích người dân nhân rộng giống quế bản địa. Và từ đó, cây quế Trà My có điều kiện được khôi phục.
Theo khảo sát mới đây, cây quế Trà My được trồng tập trung ở bốn huyện miền núi: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn, với diện tích khoảng 4.560 ha. Trong đó, huyện Nam Trà My được mệnh danh là vùng đất trung tâm của cây quế. Hiện, loại cây này được trồng khắp huyện, với diện tích hơn 2.640 ha. Hầu như nhà nào trong huyện cũng trồng quế, hộ ít nhất cũng vài trăm cây.
Có dịp về xã Trà Leng, một trong những vùng trọng điểm quế của huyện Nam Trà My, chúng tôi bị cuốn hút bởi những vườn quế cổ thụ, có cây gốc to cả người ôm không hết. Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 1 cho biết, ông đã gắn bó với cây quế hơn 20 năm. Hiện tại, trong vườn của gia đình ông có đến hàng trăm cây quế từ 15 đến 20 năm tuổi. Mỗi năm, ông Thành chỉ chọn một số cây đủ tuổi khai thác để trang trải cuộc sống gia đình, còn lại làm “của để dành”. Từ đầu năm nay, giá quế có nhích lên so với những năm trước, vỏ quế tươi có giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, vỏ quế khô có giá từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng. Tính ra, mỗi năm gia đình ông Thành thu từ cây quế khoảng 15 triệu đồng.
Ở xã Trà Leng, nhiều hộ có nguồn thu ổn định từ cây quế với số tiền khoảng từ 10 đến 15 triệu đồng/năm. Nói về cây quế, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Hồ Quốc Khánh cho biết: "Những năm qua, dù giá cả có lúc bấp bênh, nhưng người dân vẫn gắn bó với cây quế Trà My. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hằng năm đến mùa thu hoạch, các gia đình khai thác từ 10 đến 20 cây quế đủ tuổi; mỗi cây bình quân thu được 20 kg quế vỏ (với số tiền gần một triệu đồng/cây). Từ số tiền này, các hộ có tiền để chi tiêu và đầu tư trồng mới lại những diện tích đã khai thác, cho nên năm nào, người dân cũng có sản lượng và nguồn thu ổn định từ cây quế...".
Khơi dậy tiềm năng từ cây quế Trà My
Không chỉ tập trung ở một vài xã trọng điểm mà những năm gần đây, cây quế được trồng khắp trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết: "Vào năm 2011, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ, huyện đã mạnh dạn xây dựng chiến lược phát triển cây quế Trà My. Theo đó, bên cạnh việc lồng ghép, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, huyện còn hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nhằm hình thành chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ cây quế mà những năm gần đây, tình trạng thiếu đói của đồng bào các dân tộc trong huyện đã được đẩy lùi, đời sống từng bước được cải thiện, số hộ đói nghèo giảm xuống rõ rệt...".
Để bảo tồn và đầu tư phát triển quế Trà My theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng quế trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh, cuối tháng 5-2017, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết chuyên đề về Quy hoạch phát triển cây quế Trà My đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến 2025, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng đạt khoảng 7.770 ha, trong đó trồng mới 4.017 ha. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: "Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã đưa ra tám nhóm giải pháp cơ bản về: Cơ chế chính sách, vốn đầu tư; quản lý, sử dụng đất; nguồn nhân lực, giống, khoa học công nghệ, thương mại, xúc tiến thị trường sản phẩm và hoàn thiện cơ sở hạ tầng...".