Tháng 8/2024, bánh cốm Nguyên Ninh được quận Ba Đình phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, việc kinh doanh của cơ sở phát triển tốt, sản phẩm được nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Vào những dịp cao điểm, cơ sở bán ra khoảng 1.000 chiếc bánh cốm/ngày.
Tuy nhiên, trong buổi kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh này, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ sở. Khu vực sản xuất được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình, sắp xếp lộn xộn và xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở, ứ đọng rác…
Dụng cụ sơ chế, chế biến sản phẩm thì cáu bẩn do không có chế độ vệ sinh định kỳ. Nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế, chế biến. Trong khu vực sản xuất còn phát hiện có côn trùng và phân của động vật. Vì cơ sở chật hẹp không có kho chứa nên các bao tải đựng nguyên liệu cốm khô được xếp ngay lối ra vào khu bếp, gần khu vực tường ẩm mốc.
Cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và năm nhân viên; chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện, nhãn sản phẩm bánh cốm chưa phù hợp với bản công bố sản phẩm và chưa phù hợp về quy định ghi nhãn hàng hóa.
Với những vi phạm nêu trên, Đoàn kiểm tra số 1 đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục ngay những bất cập, đồng thời giao cho Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình tiếp tục làm việc để xử lý vi phạm và báo cáo kết quả về đoàn kiểm tra của thành phố trước ngày 10/1.
Từ vụ việc ở cơ sở sản xuất Bánh cốm Nguyên Ninh cho thấy, cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là trên địa bàn các tuyến phố chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm vào thời điểm lễ, Tết như hiện nay.
Chính quyền các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn, nhất là các thương hiệu truyền thống, kể cả sản phẩm OCOP. Ngoài việc hướng dẫn các cơ sở tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động, kể cả các thương hiệu lớn.
Chính các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm truyền thống cần phải đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng chuyên nghiệp, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để giữ vững thương hiệu, giữ chân được khách hàng.