Tuy nhiên, để những cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố được triển khai trong thực tiễn, tiếp thêm năng lượng cho Hà Nội phát triển, thì rất cần các cơ quan của thành phố nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện văn bản triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi). Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã rà soát 89 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân thành phố để cụ thể hóa các quy định của Luật. Tại kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 19 tổ chức vào tháng 11/2024, Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét ban hành 11 nội dung quy phạm pháp luật về các lĩnh vực tổ chức bộ máy; phân cấp, ủy quyền; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công. Tại kỳ họp thứ 20 khai mạc ngày 9/12 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục xem xét sáu nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường… Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, đây đều là những nhóm chính sách mới, quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Nếu được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua sẽ bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với Luật Thủ đô từ ngày 1/1/2025.
Như vậy, đến nay vẫn còn hơn 70 nội dung cần được xây dựng, hoàn thiện văn bản để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi). Để triển khai thi hành Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ngày 6/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung, huy động mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo thẩm quyền của thành phố. Việc xây dựng văn bản phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thành phố và tiếp thu quan điểm, định hướng và tư tưởng chỉ đạo mới của Trung ương về xây dựng thể chế và tinh gọn bộ máy. Tựu trung lại, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về Thủ đô ■