Kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ

NDO - Chiều 7/6, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ chung quanh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng như đề xuất một số giải pháp giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý của mình trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. (Ảnh: VĂN TOẢN)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Khoa học-công nghệ là chìa khóa then chốt nhất để mở ra mọi cánh cửa phát triển

Chia sẻ về thực trạng phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, nền khoa học công nghệ của nước ta còn tương đối non trẻ. Qua nhiều nỗ lực, mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão của thế giới hiện nay.

Đại biểu nhận xét, khoa học-công nghệ là một lĩnh vực khó, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội, cho nên việc Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn cũng hoàn toàn không dễ dàng.

Cử tri, nhân dân cả nước cũng như các đại biểu Quốc hội đặt sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, bởi đây là chìa khóa then chốt nhất để mở ra mọi cánh cửa phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, số lượng đại biểu đăng ký đặt câu hỏi chất vấn tăng kỷ lục so với các tư lệnh ngành còn lại. Đây cũng là áp lực không nhỏ đối với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.

Liên quan đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, đại biểu đánh giá sự nỗ lực rất cao của tư lệnh ngành khoa học và công nghệ trong lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, vì đây là một lĩnh vực rất khó, rất rộng, bao trùm mọi mặt các ngành, các lĩnh vực của đời sống, nên trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng cũng chưa tổng hợp được kịp thời tất cả các số liệu, các kết quả, điểm nghẽn của khoa học công nghệ hiện nay.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương chia sẻ, tất cả các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội xoay quanh các giải pháp phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới để có thể ứng dụng được vào trong đời sống xã hội, đặc biệt trong tăng năng suất lao động, cũng như trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các đại biểu Quốc hội cũng xoáy sâu vào những điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ hiện nay, chẳng hạn như toàn bộ những quy định hiện tại về đấu thầu, tài chính, thẩm định đều còn chưa phù hợp với đặc thù của khoa học công nghệ.

Kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ ảnh 2

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Chúng ta vẫn giao kinh phí và thẩm định qua các bước đối với những công trình khoa học công nghệ như đối với các mặt hàng khác, mà không tính đến các đặc thù của nó”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu hy vọng thời gian tới, với những nút thắt, khó khăn được nhận diện, Bộ trưởng sẽ tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về quy định, cơ chế để khoa học công nghệ phát triển đúng với kỳ vọng.

Bày tỏ quan tâm đến Quỹ phát triển khoa học công nghệ Việt Nam và Quỹ phát triển công nghệ, đại biểu cho biết 2 quỹ này đã được thành lập nhưng hiện nay hoạt động rất khó khăn, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp thì còn có nguồn kinh phí xã hội hóa, nhưng vẫn chưa kêu gọi được.

Đặc biệt, Quỹ phát triển khoa học công nghệ Việt Nam được thành lập từ năm 2014, mục đích là ngoài ngân sách nhà nước cấp ban đầu, quỹ còn huy động nguồn xã hội hóa, nhưng chưa làm được điều này. Theo đại biểu, đây cũng là một điểm nghẽn ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua.

“Qua chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm nay cũng như những giải pháp mà Bộ trưởng đã cam kết, tôi hy vọng tất cả những điểm nghẽn này sẽ sớm được tháo gỡ”, đại biểu Nga chia sẻ.

Cần rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn của các phát minh, sáng chế

Có chung nhận định khoa học-công nghệ là một lĩnh vực khó, rộng, liên quan đến hầu hết tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đánh giá, trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã có sự cố gắng, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đại biểu kỳ vọng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là việc quyết liệt thực hiện chương trình về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực khoa học-công nghệ thời gian tới sẽ có những bước đột phá.

Là một trong những đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi cho rằng, tư lệnh ngành khoa học-công nghệ càng về sau trả lời càng tốt hơn.

“Là một nhà khoa học, Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu ra, thể hiện cơ bản nắm vững vấn đề. Cách trình bày mỗi người một cách khác nhau, nhưng cơ bản đáp ứng được nguyện vọng, các vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm”, đại biểu Thắng đánh giá.

Kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đặt câu hỏi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ngày 7/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chia sẻ về nội dung đã chất vấn Bộ trưởng, đại biểu cho biết cử tri, nhân dân và giới nghiên cứu rất quan tâm đến vấn đề khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn, làm sao để các phát minh, sáng chế nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm có đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo đại biểu, cần rút ngắn khoảng cách này, đồng thời nâng cao chất lượng các công trình, phát minh, sáng chế để trực tiếp phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học cơ bản…

“Cần có đánh giá tổng kết việc ứng dụng trong thực tế của công trình, phát minh, sáng chế để tránh nhiều trường hợp ghi danh, ghi tên đề tài nhưng thực tế đề tài không có chất lượng, không hiệu quả về mặt thực tiễn”, đại biểu Thắng đề xuất.