Tỉnh Kon Tum có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên gần 1 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là hơn 900 nghìn ha. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 300 nghìn ha, chiếm 30,88% tổng diện tích tự nhiên và chiếm 33,11% tổng diện tích đất nông nghiệp, với các loại cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại, mía, cà-phê, cao-su, cây ăn quả các loại, mắc-ca và cây dược liệu.
Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa các loại giống cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất đã được tỉnh Kon Tum chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ.
Trong đó, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân dân thực hiện chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng những những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả; đất trồng sắn bạc màu, năng suất thấp, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; diện tích cao-su và cà-phê hết chu kỳ kinh doanh… sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây hằng năm, cây ăn quả, mắc-ca…
Năm 2021, tỉnh Kon Tum thực hiện chuyển đổi được 99,45ha đất trồng lúa sang trồng cây khác (cây hàng năm là 98,25ha; cây lâu năm là 1,2ha).
Năm 2022, thống kê sơ bộ đã chuyển đổi 175,46ha đất trồng lúa sang trồng cây khác (cây hằng năm là 168,43ha; cây lâu năm là 3,37ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 3,66ha).
Năm 2022, thống kê sơ bộ tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi 175,46ha đất trồng lúa sang trồng cây khác (cây hằng năm là 168,43ha; cây lâu năm là 3,37ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 3,66ha).
Diện tích cây ăn quả đến nay đạt 7.898ha, tăng 4.455ha so với năm 2020; diện tích cây mắc-ca đạt 1.756ha tăng 1.393ha so với năm 2020…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Y Hằng, cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chuyển đổi cây trồng cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Việc đưa giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum.
Hằng năm, từ nguồn kinh phí khuyến nông, ngân sách các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông đưa các giống cây trồng mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân đưa giống mới vào sản xuất thì việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân là việc làm thường xuyên của ngành nông nghiệp.
Diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt hơn 16 nghìn ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (cà-phê, các loại rau, cây ăn quả ...) đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt hơn 16 nghìn ha.
Các mặt hàng nông sản trên địa bàn theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP,UTZ, Fairtrade Certificate ... đến nay diện tích áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt gần 800ha (diện tích cây trồng theo các tiêu chuẩn: Global GAP đạt 150ha; hữu cơ đạt 29,7ha; VietGAP đạt 287,8ha; UTZ đạt 150ha; Fairtrade Certificate đạt 168ha).
Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân; máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ tự động hóa trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất,....
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện việc sơ chế, chế biến, đóng gói và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các loại nông sản chủ lực; sản phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng, mẫu mã, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Hiện nay, nhu cầu cây ăn quả phục vụ cho sản xuất hàng hóa tập trung là rất lớn. Một số sản phẩm cây ăn quả của tỉnh Kon Tum đã xuất khẩu sang Trung Quốc như: chuối, sầu riêng, mít thái…
Đồng thời, tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 6 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu (3 mã chuối của Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm và 3 mã mít thái của Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát).
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông, huyện Đăk Tô, cho biết: "Để chủ động trong việc sản xuất, tìm hướng đi bền vững cho hợp tác xã, tránh tình trạng được mùa-mất giá, được giá-mất mùa, từ năm 2018, chúng tôi đã mạnh dạn phá bỏ cây cao-su để trồng cây ăn trái.
Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi đã lựa chọn cây sầu riêng và quýt là cây chủ lực, lâu dài. Bên cạnh đó, chúng tôi trồng xen canh cây mít, cây cam… để lấy ngắn nuôi dài.
Đến nay, sản phẩm quýt ngọt của chúng tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, cho thu nhập trung bình gần 100 triệu/sào/năm. Thu hút được hàng trăm lao động người địa phương với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng".
Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Kon Tum rất đa dạng và phong phú; các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh cao.
Các mặt hàng nông sản như sắn, cao-su, cà-phê, các loại rau hoa quả xứ lạnh... đã được sản xuất và tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.