Đẩy mạnh liên kết vùng sản xuất cây ăn quả

Thời gian qua, cây ăn quả nước ta tăng về diện tích, năng suất và sản lượng. Sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam có quanh năm do điều kiện sinh thái đa dạng cho nên trồng được nhiều loại khác nhau. Qua thống kê, hiện nay diện tích cây ăn quả cả nước có hơn 1,1 triệu ha, năng suất bình quân ước đạt hơn 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 11 triệu tấn/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Long An thu hoach thanh long (Ảnh minh họa: Thanh Phong).
Nông dân Long An thu hoach thanh long (Ảnh minh họa: Thanh Phong).

Sản phẩm cây ăn quả nước ta được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... Tuy vậy, sản xuất cây ăn quả cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; một số nơi diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm cây ăn quả nước ta được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc...

Cùng với đó, do tính thời vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn khiến sản phẩm cây ăn quả khó bảo quản, vận chuyển, dễ hư hỏng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn. Hơn nữa, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hạn chế cả về số lượng và mức độ, hoạt động của các chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu như: Hạn hán, xâm nhập mặn hay dịch bệnh, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm...

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực nông thôn.

Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng hơn 16 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực khoảng một triệu ha, sản lượng từ 13 đến 14 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Để thực hiện được điều đó, các địa phương cần xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh, thành phố và các quy hoạch có liên quan khác; gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, bởi các hợp tác xã có vai trò cầu nối quan trọng để liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất cây ăn quả.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây ăn quả; tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả.

Mặt khác, tiếp tục đầu tư lưu giữ nguồn gien; chọn, tạo, nhập mới giống cây ăn quả năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng các chương trình khuyến nông về canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực tại các vùng trồng tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ...; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

Các địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, gắn với chỉ dẫn địa lý; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.

Các địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, gắn với chỉ dẫn địa lý; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện những biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trọng tâm là sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu và tháo gỡ rào cản thương mại; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, Đông Nam Á, Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông, Bắc Phi...