Đổi đời nhờ dược liệu cát cánh
Năm 2017, sau nhiều năm bươn bả với đồi ngô khô khốc và làm công nhân, vợ chồng chị Ngải Thị Dín (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cùng với nhiều hộ dân tại mảnh đất vùng cao này nghe theo vận động của ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà tham gia trồng loại cây mới - cây cát cánh. Đây là một nguyên liệu hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp.
Bà con dân tộc ở Bắc Hà (Lào Cai) chưa bao giờ nghĩ có ngày cầm trăm triệu trong tay sau một vụ mùa.
Chị Dín bẽn lẽn nói: "Sau vụ mùa đầu tiên, nhà tôi thu nhập 30 triệu, bằng hai vụ ngô cộng lại". Những mùa sau, loài cây dược liệu giúp vợ chồng Dìn tậu thêm tủ lạnh, dựng lại chuồng trâu, sửa nhà, những thứ mà nếu trồng ngô, Dín nghĩ “còn lâu mới mua được”.
Ban đầu, lúc trồng cát cánh, chị Dín cũng như hàng xóm chung quanh đều bán tín, bán nghi về loại cây trồng có thể giúp họ xóa đói giảm nghèo. Nhưng giờ, thì ai nấy đều tin đó là sự thật.
Nhà em Ngải Thị Dính (23 tuổi) trồng 1 ha cát cánh hào hứng khoe: “Trước đây, trồng 1 ha ngô được khoảng 16 triệu còn 1 ha cát cánh được hơn 100 triệu”.
Gia đình chị Sùng Thị Sa, 27 tuổi, ở xã Tả Van Chư, trồng 0,5 ha cát cánh, mỗi năm thu về từ 100 đến 120 triệu đồng. Trước đây, Sa từng bỏ ra gần 7 triệu đồng để sang Trung Quốc trồng rau mưu sinh. Sau khi lập gia đình và sinh con ở quê, Sa ở nhà trồng cát cánh.
Chị Ngải Thị Dín (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). |
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà kể lại, 4 năm trước, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Nam Dược đã mang theo hạt giống cát cánh được cung cấp từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đến mảnh đất này.
Diện tích thử nghiệm ban đầu vài ha ở trung tâm huyện, nhưng cây còi cọc, gặp mưa là úng, nắng lên lại héo dần. Sau đó, huyện tiếp tục khảo nghiệm, đưa cát cánh lên vùng cao trên nghìn mét, trên Tả Van Chư, Lũng Phình…
Với đồng bào nhiều đời quen trồng ngô, lúa, bà Huê nói, để thay đổi tập tục canh tác rất khó, huống chi đưa hẳn một loài cây mới về trồng. Chưa kể, người dân phải thực hành gieo trồng theo phương pháp mới: theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của WHO).
Từ lúc gieo hạt xuống tới khi thu hoạch, nhà nông phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật, như không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích hay can thiệp hóa học… để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của nguồn dược liệu.
Bởi vậy, thời gian đầu, đội khuyến nông Bắc Hà phải xuống những bản làng người H'Mông, cùng ăn, cùng ở, cùng trồng. Mất bốn năm để cát cánh dần “bén rễ” trong những thung lũng ở Bắc Hà, dần thay đổi chất lượng đời sống lẫn tập tục canh tác của người H'Mông.
Người dân yên tâm vì được bảo đảm đầu ra cho dược liệu
Năm 2019, cát cánh nằm trong Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030 do Bộ Y tế ban hành, là cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn loài, nhóm loài phù hợp để phát triển dược liệu. Diện tích cát cánh nhân lên gấp mười lần, từ 12 ha đầu tiên năm 2016 lên 120 ha vào năm 2020, trở thành vùng trồng lớn nhất nước.
Nếu như trước đây, 80% lượng cát cánh phải nhập khẩu thì nay đã được trồng trong nước với chất lượng quốc tế quy định. Tại Bắc Hà, Lào Cai, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100 ha.
Sau 4 năm, giá trị hợp đồng ký kết giữa huyện Bắc Hà và Nam Dược những năm sau này tăng dần. Nông dân thu hoạch được sản lượng bao nhiêu, công ty thu mua bấy nhiêu, với giá đạt 175.000-200.000 đồng mỗi cân, cao hơn giá nhập khẩu 150.000 đồng, nhưng bảo đảm chất lượng. Mỗi ha cát cánh thu hoạch khoảng một tấn củ tươi, cho giá trị 100-120 triệu đồng.
Vùng trồng cát cánh đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của WHO). |
Hiệu quả kinh tế được chứng minh, cán bộ khuyến nông rút dần sự hiện diện trên ruộng đồng. Huyện cũng giảm các chính sách bao cấp, để bà con tự đầu tư, mua màng che phủ, chọn hạt giống cho mùa sau. Phía huyện chỉ còn đảm nhiệm phần ký kết hợp đồng với các công ty giúp bà con bao tiêu sản phẩm hằng năm.
Nông dân thấy lợi, muốn mở rộng diện tích trồng. Nhưng Bắc Hà định hướng không sản xuất ồ ạt mà theo đơn đặt hàng hằng năm của Công ty Nam Dược và một số doanh nghiệp khác.
Ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược nhận định, bà con ký cam kết, trồng số lượng dựa trên cơ sở hợp đồng bao tiêu đầu ra, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các chương trình khuyến nông, cơ sở hạ tầng. Phía công ty tiếp tục hỗ trợ nguồn giống đạt chuẩn, cập nhật và đào tạo liên tục quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên cắt cử cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng trồng tới hỗ trợ người dân.
Sự kết hợp chặt chẽ của "3 nhà" giúp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng dược liệu, tránh tình trạng người dân thấy cây cát cánh đem lại giá trị cao, trồng ồ ạt gây mất kiểm soát chất lượng dược liệu cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mang tới nguồn dược liệu chuẩn hóa cho doanh nghiệp.