Khởi nghiệp từ cây ca-cao

Khi còn là kỹ sư công nghệ ô-tô cho một tập đoàn lớn, vài lần về Tiền Giang, Bến Tre, thấy người dân buồn bã chặt bỏ vườn ca-cao sau bao năm chăm sóc vì… mất giá, Nguyễn Hồng Huy (32 tuổi) thấy xót xa. Huy tự hỏi, tại sao một đất nước được đánh giá cao về chất lượng ca-cao mà người trồng lại không thể an tâm canh tác? Trở về Thành phố Hồ Chí Minh, chàng kỹ sư bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Nguyễn Hồng Huy giới thiệu về sản phẩm sô-cô-la do mình tạo ra với các bạn trẻ tại một ngày hội khởi nghiệp.
Giám đốc Nguyễn Hồng Huy giới thiệu về sản phẩm sô-cô-la do mình tạo ra với các bạn trẻ tại một ngày hội khởi nghiệp.

SÔ-CÔ-LA mà nhúng xoài, nhúng cam hả anh? Lạ vậy?”, “Sô-cô-la cũng làm son môi được sao?”, “Vỉ bơ từ ca-cao này có chất lượng không? Sao giá thành lại rẻ vậy?”, “Có cả sô-cô-la muối hồng, sô-cô-la ớt? Anh có đang đùa mọi người không?”… Nghe thắc mắc của đông đảo khách hàng trẻ tại một ngày hội khởi nghiệp vừa được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sô Cô La Hallelu Nguyễn Hồng Huy vui vẻ trả lời từng người và không quên giới thiệu thêm những dòng sản phẩm mới ra lò.

Từ ngày khởi nghiệp với ca-cao, Huy đã quen với những thắc mắc, tò mò từ thị trường, rằng sô-cô-la được làm hoàn toàn từ máy móc do người Việt sản xuất với nguồn nguyên liệu tại chỗ thì chất lượng sẽ ra sao, có đủ sức cạnh tranh với hàng loạt sản phẩm trên thị trường không? Huy kể, cách đây sáu năm, khi nghe một kỹ sư ô-tô như anh chia sẻ ý tưởng tự tạo máy làm sô-cô-la, nhiều người hoài nghi về tính khả thi, vì đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi kỹ thuật công phu.

“Giai đoạn đầu, có khi tôi lục tung nhiều cửa hàng phế liệu tìm cho ra mấy linh kiện mình cần với giá thật rẻ, rồi mày mò làm cái này, sáng tạo cái kia. Chiếc máy nghiền ca-cao đầu tiên của tôi ra đời vào cuối năm 2016, năm 2017 tôi thành lập công ty trong sự bất ngờ của nhiều người. Nếu không tự làm máy móc, thật sự, với khả năng tài chính lúc đó, tôi không đủ điều kiện nhập những chiếc máy trên dưới nửa tỷ đồng để sản xuất sô-cô-la”, Giám đốc 9X Nguyễn Hồng Huy nhớ lại.

Có chiếc máy nghiền đầu tiên, Huy xin nghỉ việc tại tập đoàn lớn, toàn tâm toàn ý đầu tư thời gian, tâm huyết cho dự án khởi nghiệp. Số tiền tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm, anh dành vào việc thuê xưởng làm sô-cô-la tại thành phố Thủ Đức, đầu tư linh kiện, nguyên liệu. Ban đầu, phải làm mọi thứ một mình để tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, nhiều đêm chàng kỹ sư trẻ thức trắng, viết kế hoạch hoặc làm thử khâu này, việc kia.

Kiến thức nào chưa hiểu, anh tìm tài liệu nghiên cứu sâu; phần nào còn yếu, anh nhờ bạn bè, người quen tư vấn, hỗ trợ. Chọn được công thức vừa ý nhất, Huy bắt đầu liên hệ với người nông dân nhập ca-cao để chế biến sô-cô-la. Khi ấy, chỉ việc nghiền ca-cao được làm bằng máy, gần 10 công đoạn phức tạp còn lại đều làm bằng tay, sai đến đâu, sửa đến đó, khi nào được mới thôi. Lần đầu thấy viên sô-cô-la được tạo ra từ chiếc khuôn bóng mịn lúc 12 giờ đêm, Huy xúc động không nói nên lời, bởi cách đó một năm, mọi ý tưởng còn trên giấy mà giờ đây những viên sô-cô-la đẹp mắt đã thành hình. Huy đưa những sản phẩm đầy tâm huyết ấy lên phố tây-Bùi Viện (quận 1) mời du khách nước ngoài thưởng thức và nhận về rất nhiều lời khen. Từ vài loại sô-cô-la ban đầu, đến nay, Công ty Hallelu đã tạo ra hơn 20 dòng sản phẩm được thị trường đánh giá cao và bước đầu tiếp cận những thị trường khó tính như Nhật, Pháp…

Điều khiến Huy tâm đắc nhất trong hơn 5 năm khởi nghiệp là liên tục học hỏi, nghiên cứu để tạo nên nhiều dòng máy gia công sô-cô-la thay vì phải nhập từ nước ngoài với chi phí cao hơn gần ba lần. Lúc mọi thứ chưa thành hình, nhiều người cho rằng Huy thiếu thực tế khi đầu tư vào dự án này, nhưng anh luôn tin mình làm được và cứ vậy nỗ lực hết sức. Khi sản phẩm được thị trường đón nhận, anh tập trung thay đổi mẫu mã cho bắt mắt, ứng dụng thêm nhiều cái mới. Không chỉ đặt cửa hàng tại các điểm du lịch, về sau, công ty tăng cường kênh bán hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử và thu về kết quả khả quan. “Điều khiến tôi vui nhất là đã thu mua được ca-cao cho người dân miền tây, Tây Nguyên với mức giá gấp đôi thị trường. Tôi còn làm nhiều sản phẩm kết hợp sô-cô-la với nông sản thuần Việt để tạo nên chất riêng. Đó cũng là cách đồng hành cùng người nông dân”, anh Huy cho biết thêm.

Hiện nay ngoài việc tạo ra nhiều dòng sản phẩm được thị trường đón nhận, Huy bắt đầu quá trình chia sẻ công nghệ, cung cấp máy móc, thiết bị do mình tạo ra cho những công ty sô-cô-la có nhu cầu. Đến nay, Huy đã bán được gần 10 chiếc máy nghiền ca-cao và gia nhiệt sô-cô-la. Trong tháng 11 này, anh tiếp tục giới thiệu chiếc máy mới giúp hoàn thiện hơn việc hiện đại hóa quy trình sản xuất sô-cô-la thuần Việt.