Ngày 20/12, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Luật Dược 2016, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016, đã thay thế Luật Dược 2005 và đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam.

7 điểm mới quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Luật này điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược, từ chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược, đến quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc, dược liệu, thuốc cổ truyền, quảng cáo thuốc, đến việc thử thuốc trên lâm sàng và quản lý chất lượng thuốc.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, Luật Dược 2016 đã nảy sinh một số vướng mắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp và phòng, chống dịch bệnh.
Để khắc phục những hạn chế và vướng mắc từ thực tiễn, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được xây dựng và được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 21/11/2024, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mục tiêu chính của việc sửa đổi lần này là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thuốc, đặc biệt là trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh và các tình huống cấp bách.
Luật mới sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thuốc của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời thuốc có chất lượng với giá hợp lý.
Cụ thể, luật sửa đổi sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách về thuốc, đồng thời đổi mới mạnh mẽ quy trình thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý dược, gắn với trách nhiệm rõ ràng của các cấp, ngành.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông báo những điểm mới cơ bản của luật sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều: Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 2 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành và bổ sung 3 điều mới; Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 1 về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về Điều khoản thi hành.
![]() |
Bệnh nhân xếp hàng chờ mua thuốc tại bệnh viện. (Ảnh: TTXVN) |
Luật sửa đổi bổ sung 7 nhóm điểm mới cơ bản, trong đó bao gồm thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Việc sửa đổi Luật Dược cũng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc, đồng thời tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Luật mới không chỉ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý thuốc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, luật sửa đổi sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng hơn, thúc đẩy sự phát triển ngành dược, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và bảo đảm thuốc đến tay người dân kịp thời và hiệu quả.