Kinh tế tư nhân nhiều năm tăng trưởng ấn tượng

NDO - Ngày 15/5, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi khảo sát tại tỉnh Bình Phước về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đồng chủ trì buổi làm việc.

Tính đến hết năm 2023, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước là 11.682 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 198.898,78 tỷ đồng.

Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, đến năm 2020 đạt 75,02%, đến hết năm 2022 đạt 77,09%, tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và năm 2030 đạt khoảng 85%.

Qua đó, góp phần quan trọng vào tốc độ phát triển kinh tế chung của tỉnh ở mức khá và tăng liên tục qua các năm; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 7,25%; giai đoạn 2021-2023 đạt 8,03%.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước chuyển dịch đúng hướng, đến hết năm 2023: công nghiệp-xây dựng 43,38%; thương mại-dịch vụ 32,78%; nông lâm nghiệp và thủy sản 23,84%; GRDP bình quân đầu người là 93,94 triệu đồng.

Kinh tế tư nhân nhiều năm tăng trưởng ấn tượng ảnh 1

Kinh tế tư nhân ở Bình Phước tăng liên tục trong nhiều năm qua.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, giai đoạn từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2023, tỉnh Bình Phước đã tích cực thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Đến nay, tỉnh đã đã sắp xếp, tái cơ cấu xong 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; hoàn thành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải thực hiện cổ phần hóa.

Những khó khăn trong thực hiện các nghị quyết của trung ương cũng được tỉnh nêu cụ thể với đoàn khảo sát và nêu một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đáng chú ý việc đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế, kế hoạch, lộ trình thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn về việc thực hiện dự án, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dân sinh, phục vụ sản xuất kinh doanh trong khu vực mỏ bô-xít trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung Công ty cổ phần Cao-su Sông Bé vào danh mục doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2022-2025.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Công ty cổ phần Xây dựng Bình Phước về SCIC giai đoạn 2022-2025.

Kinh tế tư nhân nhiều năm tăng trưởng ấn tượng ảnh 2

Bình Phước đẩy xúc tiến đầu tư các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Trung ương trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Đồng thời nhấn mạnh, những ý kiến thảo luận trực tiếp tại buổi làm việc là tiền đề quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương bổ sung vào dự thảo đề án sơ kết thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đoàn sẽ ghi nhận, tiếp thu tổng hợp chung và báo cáo Bộ Chính trị cũng như các bộ, ngành Trung ương liên quan trong thời gian sớm nhất.