Chiều 6/9, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, tại trụ sở Bộ Tư pháp Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi.
Hai bên thảo luận về các chương trình tiếp nhận thực tập sinh và lao động kỹ năng đặc định đang được hai quốc gia triển khai cùng nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản trong việc phối hợp với Việt Nam triển khai nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực đạt kết quả tích cực.
Hội đàm giữa Bộ Tư pháp Nhật Bản và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam. (Ảnh: Molisa) |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, cơ quan này cũng đã xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về thu phí khi đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
Ông kiến nghị Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản xem xét mở rộng nhiều ngành, nghề nhằm tiếp nhận thực tập sinh, đặc biệt là xem xét kiến nghị giảm các mức đóng cho thực tập sinh.
Ghi nhận những ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi cho biết, hoạt động tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài đến Nhật Bản đã được triển khai sau một thời gian dài phải ngưng lại vì dịch Covid-19. Bộ Tư pháp nước này sẽ tăng cường công tác kiểm tra đối với các nghiệp đoàn sử dụng lao động để bảo đảm nhân quyền đối với người lao động.
“Nhật Bản luôn coi trọng vai trò và tầm quan trọng của chương trình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài. Đây không chỉ là vấn đề giải quyết thiếu hụt nhân lực tại Nhật mà còn giúp các quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sau khi về nước có thể cống hiến cho đất nước”
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi
Đối với kiến nghị mở rộng ngành, nghề tiếp nhận từ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Yasuhito Hanashi cho rằng: "Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là mở rộng dần các ngành, nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài. Trước mắt, một số ngành, nghề được mở rộng và ưu tiên hàng đầu là chăm sóc người cao tuổi".
Thời gian tới, Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ đề nghị những cơ quan liên quan mở rộng tiếp nhận thực tập sinh đối với nghề lái xe. "Đối với lao động kỹ năng đặc định, đến nay vẫn chưa tổ chức thi tại Việt Nam, tiến độ thực hiện chậm, đề nghị các bên phối hợp để triển khai. Về việc miễn thuế để giảm áp lực cho thực tập sinh, Bộ sẽ trao đổi với các Bộ có liên quan để triển khai thực hiện", Bộ trưởng Yasuhito Hanashi nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 20/6/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký tiếp Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Với 16 điều và 4 phụ lục, Bản ghi nhớ năm 2022 nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua. Đồng thời, nội dung văn bản phù hợp với những quy định mới của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Bản ghi nhớ: mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20-30 tuổi) để giúp chương trình có thêm nguồn lao động trẻ, năng động, đồng thời tiếp tục góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương. Cùng với đó, tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả đối tượng là thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản.
Bản ghi nhớ bổ sung một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho đối tượng tham gia chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (sau đây gọi tắt là chương trình).
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) là đơn vị tiếp tục triển khai chương trình này.
Tham gia chương trình, thực tập sinh Việt Nam được đào tạo tay nghề, rèn luyện kỹ năng và tác phong làm việc. Nhiều thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình về nước được giao đảm trách các vị trí quản lý tại các chi nhánh của công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tự khởi nghiệp thành công.
Thực tập sinh hoàn thành chương trình về nước đúng thời hạn được nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam 600 nghìn yên/3 năm thực tập, hoặc 1 triệu yên/5 năm thực tập (tương đương với hơn 100 đến 180 triệu đồng). Khoản hỗ trợ này cùng với số tiền tích lũy được trong thời gian thực tập tại Nhật Bản giúp các lao động sau khi về nước có vốn để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương nơi cư trú.
Đến nay, đã có hơn 370 nghìn thực tập sinh trong tổng số gần 500 nghìn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.