Hơn 7.700 lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực tập sinh trẻ được tạo điều kiện miễn phí đào tạo, tiền ăn học. Từ chuyến đi tới Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đã chăm lo tốt nơi ăn, chốn ở, công việc tại công xưởng, doanh nghiệp lớn cho thanh niên Việt Nam.
Theo chính sách chung của Nhà nước theo Chương trình IM Japan bố trí, các thực tập sinh được hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thưởng lễ tết, tổ chức sinh nhật…"Các doanh nghiệp, nghiệp đoàn còn tạo điều kiện cho các em có nguồn thu nhập", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều thực tập sinh về nước đã thành công trong mở các cơ sở sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế địa phương, truyền lửa cho các bạn khác tiếp tục thực tập và làm việc tại nước ngoài.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của chương trình do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, cơ quan này ký với IM Japan chương trình mới."Chương trình có số lượng nhiều hơn, yêu cầu cao hơn nhưng tinh thần là theo hướng phi lợi nhuận. Tất cả vì thanh niên", ông cho hay.
Trước đó, năm 2006, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và IM Japan đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Thỏa thuận này đã được ký lại năm 2010 và năm 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, trong đó có 6.852 thực tập sinh xuất cảnh lần đầu và 882 thực tập sinh tái nhập cảnh.
Chương trình có mục đích phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn bảo đảm thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng và thông tin tới các sở lao động-thương binh và xã hội.
Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe, tiền ký túc xá trong thời gian tham dự khóa đào tạo dự bị và tự túc tiền ăn; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức. Chương trình này đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn, lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nguyện vọng đăng ký tham dự.
Tham gia chương trình, thực tập sinh Việt Nam được đào tạo tay nghề, rèn luyện kỹ năng và tác phong làm việc. Nhiều thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình về nước được giao đảm trách các vị trí quản lý tại các chi nhánh của công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tự khởi nghiệp thành công.
Thực tập sinh hoàn thành Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước đúng thời hạn được nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam 600 nghìn yên/3 năm thực tập hoặc 1 triệu yên/5 năm thực tập (tương đương với hơn 100 đến 180 triệu đồng). Số tiền này cùng với số tiền thực tập sinh tích lũy được trong thời gian thực tập tại Nhật Bản giúp thực tập sinh sau khi về nước có vốn để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương nơi cư trú.
Mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh
Bản ghi nhớ mới ký ngày 20/6/2022 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức IM Japan gồm 16 điều và 4 phụ lục.
Chương trình này nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua. Đồng thời, để phù hợp với những quy định mới của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
Bản ghi nhớ bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia Chương trình.
Cụ thể như: mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20-30 tuổi) để giúp Chương trình có thêm nguồn lao động trẻ, năng động, đồng thời tiếp tục góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương. Cùng với đó, tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả đối tượng là thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục triển khai chương trình này.
Từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, số lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Nhật Bản đã đạt hơn 32 nghìn người. Trong số này, có gần 15 nghìn lao động nữ.
Theo thông báo của Chính phủ Nhật Bản, kể từ 0 giờ này 29/4/2022, người xuất cảnh từ Việt Nam, gồm cả thực tập sinh/lao động đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng ngừa Covid-19 được Nhật Bản thừa nhận, sau khi nhập cảnh Nhật Bản sẽ không phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong vòng 7 ngày như trước đây.
Quy định về loại vaccine phòng Covid-19 được Nhận Bản công nhận là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen, gồm cả loại vaccine tiêm mũi 3 không có sự thay đổi so với thông báo trước đây của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Trong trường hợp tiêm trộn, mũi thứ ba của người lao động tiêm phải là Pfizer hoặc Moderna.