Kiên cố hóa trường, lớp ở vùng đặc biệt khó khăn

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã có nhiều giải pháp kiên cố hóa trường, lớp học, nhất là những cơ sở giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Công tác này đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường tăng cường điều kiện dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Trường tiểu học và trung học cơ sở A Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình) được kiên cố hóa đã bảo đảm điều kiện dạy học.
Trường tiểu học và trung học cơ sở A Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình) được kiên cố hóa đã bảo đảm điều kiện dạy học.

Là địa phương có tới hơn 80% số trường học nằm ở vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình cũng như các trường học có nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức dạy học.

Trường mầm non Bắc Sơn (huyện Kim Bôi) thời gian qua đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực kiên cố hóa trường, lớp học. Năm học 2023-2024, trường tiếp tục rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp học; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Trường hiện có 18 phòng (gồm 10 phòng học, 8 phòng hành chính quản trị) và các phòng chức năng; 2 bếp ăn, 6 công trình vệ sinh dành riêng cho trẻ và 2 công trình vệ sinh dành cho cán bộ, giáo viên, 2 sân chơi có đồ dùng, đồ chơi ngoài trời…

Cô giáo Bùi Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bắc Sơn cho biết, để có được kết quả nêu trên là nhờ sự cố gắng của tập thể nhà trường và sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong suốt nhiều năm qua. Thông qua việc kiên cố hóa trường, lớp học, cơ sở vật chất được đầu tư, trường đã tổ chức được bữa ăn bán trú, dạy học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên.

Tại tỉnh Điện Biên, công tác kiên cố hóa trường, lớp học cũng được địa phương và các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm thực hiện. Theo Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Trần Đăng Khoa, đến nay trường có sự phát triển vượt bậc. Quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục nâng lên; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được bổ sung, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học; đội ngũ nhà giáo được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng. Hằng năm, hơn 60% số học sinh của trường thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho thấy, kinh phí đầu tư cho giáo dục liên tục tăng; giai đoạn 2013-2023, tổng kinh phí sự nghiệp bố trí cho các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là hơn 397 tỷ đồng. Thời gian qua, huyện Điện Biên đã triển khai xây dựng các phòng học từ chương trình kiên cố hóa với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Cùng với việc huy động xã hội hóa, đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được 78,8% số phòng học, còn lại là phòng học bán kiên cố, phòng học tạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm, kiên cố hóa trường, lớp học là một trong những nhiệm vụ khó. Tuy nhiên, cấp quản lý giáo dục đã tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa, chuẩn hóa trường, lớp học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp toàn tỉnh Bắc Giang đạt 96,4% (cao hơn 14,2% so với trung bình cả nước); trong đó, mầm non đạt 94,2%, tiểu học 95,8%, trung học cơ sở 98,8%, trung học phổ thông công lập 99,3%. Tháng 10/2023, tỉnh Bắc Giang có 709 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 161 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; dự kiến hết tháng 12/2023, có 713 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 183 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thuộc các chương trình mục tiêu và nguồn kinh phí của tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo, sửa chữa các phòng học và các phòng chức năng phục vụ dạy học, cũng như phục vụ điều kiện ăn ở cho học sinh nội trú, bán trú ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, toàn tỉnh có 245 phòng học được đầu tư xây dựng mới, trong đó mầm non 92 phòng, tiểu học 73 phòng, trung học cơ sở 43 phòng, trung học phổ thông 37 phòng.

Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho năm học 2023-2024 từ nguồn chương trình mục tiêu, đầu tư công, xã hội hóa là 446.870 triệu đồng. Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố còn cao, nhất là cấp học mầm non, tiểu học; nhiều nơi còn thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên, phòng học, trang thiết bị dạy học và các công trình phụ trợ khác.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, để hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn tăng cường cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Trong năm học này, ngành giáo dục cũng như các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.