Hà Giang bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Nhận diện rõ những hạn chế, nêu lên giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được tỉnh Hà Giang tổ chức vào chiều 25/8.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò điểm trường mầm non thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Cô và trò điểm trường mầm non thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều; địa hình phức tạp; cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa đồng bộ, số kinh phí cấp cho các đề án, kế hoạch hằng năm mới đạt hơn 25% nhu cầu; tình trạng thiếu giáo viên (toàn tỉnh thiếu gần 3.000 cán bộ, giáo viên) cũng như chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên thấp, dẫn đến chất lượng giáo dục của tỉnh chưa được nâng cao.

Hà Giang bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị.

Trước thực trạng đó, tỉnh Hà Giang xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn về trình độ, có năng lực chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với nghề; tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường và vào học trung học phổ thông, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học.

Tập trung nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học. Bảo đảm nguồn kinh phí chi phát triển chuyên môn trong các cấp học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục các cấp học so với các tỉnh trong khu vực.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nêu trong đề án, trong đó tập trung chính vào vấn đề đổi mới tổ chức dạy và học theo hướng thực chất; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đủ số lượng, có chất lượng; củng cố sắp xếp phát triển mạng lưới trường, lớp, cải thiện cơ sở vật chất; xây dựng cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực thực hiện. Theo đó nhu cầu để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn 2023-2030 là hơn 700 tỷ đồng.

Khi thực hiện đề án, ngành giáo dục cũng đối mặt với những tác động như tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học tăng do thực hiện việc đánh giá thực chất về chất lượng. Một số xã không đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Sẽ có trường đạt chuẩn quốc gia không đạt sau đánh giá lại. Một số xã mất chuẩn nông thôn mới do không đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phân tích, làm rõ các nội dung đề án nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng chí thẳng thắn đánh giá, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục.

Do đó, phải tăng cường công tác xây dựng đảng và vai trò của cấp ủy trong các cơ sở giáo dục. Gắn kết chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với quản lý chuyên môn của ngành giáo dục và đối với các cơ sở giáo dục. Gắn kết quả hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cùng với đó, nghiên cứu hoặc xây dựng, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để điều hành, khuyến khích việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Hà Giang bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại hội nghị.

Phát triển, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, điều tiết cơ cấu giáo viên, từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đánh giá và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Nâng cao năng lực tham mưu của ngành giáo dục với cấp ủy, chính quyền các cấp để nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị trường học.

Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên phải xác định đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là phương châm cốt lõi của quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Xóa bỏ bệnh thành tích, thực hiện việc đánh giá chất lượng thực chất ở tất cả các cấp học. Tổ chức các kỳ kiểm tra, thi, đánh giá khảo sát chất lượng giáo dục. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh vùng cao Hà Giang là việc làm khó, do đó các cấp, các ngành cần quyết tâm chính trị cao và huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân vào cuộc.