Kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử

NDO - Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cũng như cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, nền tảng này còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến các đối tượng xấu lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần siết chặt quản lý, kiểm soát các vi phạm để thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.

Tạo động lực cho nền kinh tế số

Hoạt động thương mại điện tử ở nước ta được đánh giá có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, điều này thể hiện trong Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á khi tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam đã tăng từ 18 tỷ USD (năm 2021) lên 23 tỷ USD (năm 2022); trong đó thương mại điện tử đóng góp 14 tỷ USD.

Dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép mạnh mẽ trong giai đoạn năm 2025-2030.

Theo khảo sát vừa công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta vẫn phát triển mạnh mẽ từ sau đại dịch Covid-19, với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2023 vẫn có thể đạt mức tăng trưởng hơn 25% với quy mô hơn 20 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiềm năng cho sự phát triển trong tương lai còn rất lớn. Để tận dụng các cơ hội, tăng doanh thu từ nền kinh tế số, chúng ta cần đầu tư nguồn lực (con người và tài chính, hạ tầng công nghệ…) nhằm tạo nền tảng phát triển, bắt kịp xu thế dịch chuyển thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm trung bình từ 260-285 USD/người. Với sự phát triển mạnh mẽ này, thương mại điện tử Việt Nam đang được định hướng trở thành bệ phóng của nền kinh tế số.

Song, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử ảnh 2

lực lượng quản lý thị trường tỉnh Phú Yên xử lý hàng hóa vi phạm.

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Nhưng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", khi mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Một khảo sát trong Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố đã chỉ ra, có tới 68% người tiêu dùng được hỏi cho biết trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến vì lo "chất lượng kém so quảng cáo", 52% cho biết "lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ",…

Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử. Bởi nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.

Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng

Chính vì vậy, ngày 29/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động thương mại điện tử được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Theo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như: hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh thì một nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động thương mại điện tử đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng.

Kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử ảnh 3

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh.

Thế nhưng, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Theo quy định hiện nay, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa,...

Tuy vậy, mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nên có độ trễ nhất định trong ra quyết định xử phạt.
Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương)

Thực tế, việc mua hàng qua mạng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có chứng từ liên quan “tuồn” ra thị trường.

Theo đó, qua trinh sát đã phát hiện một trang facebook cá nhân mang tên "Kiều Anh Nguyễn (Elly San)" thường xuyên thực hiện việc "chốt đơn" các sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng thông qua việc livestream và bán hàng trên mạng xã hội.

Đáng nói, toàn bộ số thuốc và thực phẩm chức năng này được đối tượng dùng nguyên liệu trôi nổi, sau đó đóng bao bì nhãn mác của nước ngoài nhằm tạo niềm tin, hòng đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi. Nếu số hàng trên "trót lọt", chắc chắn sẽ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng.

Đối tượng này được cơ quan chức năng đánh giá hoạt động chuyên nghiệp và khá tinh vi khi thường xuyên sử dụng nhiều căn hộ cao cấp có an ninh cao làm điểm tập kết hàng hóa, gây khó khăn trong công tác trinh sát, xác minh và tiếp cận. Mọi giao dịch và vận chuyển đều diễn ra rất nhanh chóng thông qua hình thức giao hàng thu hộ tiền (ship cod) nên việc xóa dấu vết rất nhanh.

Đây chỉ là 2 trong số những vụ việc điển hình được lực lượng quản lý thị trường triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử theo Quyết định số 319/QĐ-TTg đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành; thể hiện sự cương quyết mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa trên không gian mạng.

Phát triển bền vững

Vì vậy, Tổng cục Trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn,...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng được hiệu quả hơn.

Trong quá trình thực thi công vụ sẽ kết hợp các cơ quan chức năng khác để có sự trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả, hàng nhái và các loại hàng hóa vi phạm. Đồng thời, tích cực trao đổi với các hiệp hội, cơ quan báo chí về thông tin xử lý và ngăn chặn những vi phạm, mục tiêu tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo ông Linh, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ chính doanh nghiệp của mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Đồng thời, phải chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, có các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn. Đặc biệt phải xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.