Quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

NDO - Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, song song với thúc đẩy tiềm năng, cần giải quyết các thách thức từ quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật... để thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và công bố sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công thương và Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức tháng 8/2022. (Ảnh: Bộ Công thương)
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và công bố sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công thương và Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức tháng 8/2022. (Ảnh: Bộ Công thương)

Thương mại điện tử xuyên biên giới được hiểu là hình thức mua-bán giữa một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác thông qua việc đặt hàng và thanh toán trên các sàn thương mại điện tử và qua internet.

Hình thức mua-bán này đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... và lan rộng tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temaisek và Bain&Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng khoảng 28% từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Thương mại điện tử được coi là trụ cột của nền kinh tế số và là nhân tố chính tạo nên tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain&Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng khoảng 28% từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Thương mại điện tử được coi là trụ cột của nền kinh tế số và là nhân tố chính tạo nên tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.

Việt Nam là một thị trường đặc biệt với 72,1 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ 73,2% dân số, đứng thứ 12 về lượng người dùng internet trên toàn cầu (tính đến tháng 9/2022). Ngoài ra, Việt Nam lại đang ở thời kỳ dân số vàng với một lực lượng lao động trẻ năng động, có nhiều tiềm năng trong việc tiếp thu kiến thức, công nghệ và kỹ năng mới. Hơn nữa, hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 cũng khiến người dân thay đổi thói quen mua sắm, chuyển từ mua trực tiếp sang trực tuyến (online).

Theo Sách Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Bộ Công thương xây dựng và xuất bản, số lượng người dùng mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57-60 triệu người (chiếm 74,8% những người sử dụng internet) trong đó giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 260-285 USD (tương đương 6,1-6,6 triệu đồng).

Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam cũng được eMarketer (một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ) xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới ảnh 1

Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Do đó, để thực hiện thành công chủ trương phát triển nền kinh tế số, song song với thúc đẩy các sàn thương mại điện tử trong nước, việc tận dụng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để bán hàng là tất yếu. Nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc bán hàng ra nước ngoài dễ dàng hơn, lại tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hơn so trước đây.

Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” mới đây của Amazon Global Selling Việt Nam đã đánh giá cao mức độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Báo cáo này còn nhận định, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng năm năm tới.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nhận thức rõ sự quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nắm bắt khá nhanh nhạy với xu hướng này. Minh chứng rõ nét, năm 2022, số lượng doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam tham gia nền tảng Amazon lên đến hơn 80%, trong khi năm 2021, con số này chỉ là 15%.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam cũng được eMarketer (một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ) xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Chỉ riêng trên nền tảng này, trong năm 2022, đã có gần 10 triệu sản phẩm "made in Vietnam" được bán ra trên toàn cầu, tập trung nhiều nhất ở các mặt hàng: chăm sóc sức khỏe, trang trí nhà cửa, đồ gia dụng.

Ngoài Amazon, sàn thương mại điện tử Alibaba.com cũng ghi nhận sự góp mặt của khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam với các mặt hàng như: nông sản, thực phẩm chế biến-đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc...

Các doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới ngoài việc tăng doanh thu, còn có thêm một kênh xuất khẩu, phân phối hiệu quả, từ đó, giới thiệu được các sản phẩm made in Việt Nam ra thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu quốc gia.

Việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới cũng phù hợp tinh thần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều diễn đàn lớn thời gian gần đây.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay" là biểu hiện sinh động của việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng thực tiễn đa dạng của hoạt động thương mại điện tử.

Trong số 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và tham gia, có 3 Hiệp định FTA thế hệ mới gồm: EVFTA, CPTPP và RCEP đều có những đàm phán và cam kết trong lĩnh vực này nhằm tạo thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do cho thấy rõ mục tiêu của Việt Nam trong việc kết nối ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.

Tham gia vào sân chơi kinh tế số toàn cầu nói chung và thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng là bài toán không ít thách thức và rào cản cần vượt qua.

Về mặt pháp lý, chính sách liên quan hoạt động thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành các văn bản như: Luật Giao dịch thương mại điện tử (2005); Nghị định số 52/2013 (thay thế Nghị định số 57/2006) về thương mại điện tử; Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Luật An ninh mạng (2018)...

Tuy nhiên, thực tế thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang phát triển đa dạng nên các quy định này chưa thực sự bao quát đầy đủ, đồng bộ, nhiều vấn đề chưa được đề cập đến, dẫn đến những khó khăn, bất cập trong quản lý. Hơn nữa, việc thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động e-logistics (các hoạt động hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử) tại Việt Nam cũng là những trở ngại không nhỏ.

Ngoài ra, rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như kiến thức về các thủ tục thông quan hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình thanh toán, vận chuyển... của nước xuất khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế khiến các doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn.

Quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới ảnh 2

Các đại biểu trao đổi về thương mại điện tử xuyên biên giới ngày 6/10/2022. (Ảnh: Ban tổ chức)

So sánh với các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) không khó để thấy, các cơ chế hỗ trợ cho thương mại kỹ thuật số của Việt Nam chưa đầy đủ; nền tảng công nghệ số và nhân lực số còn yếu; sự đầu tư của các chủ doanh nghiệp về đào tạo, quản lý chuỗi cung ứng chưa thực sự thích đáng. Việc tham gia nhiều hiệp định FTA, một mặt mang lại các cơ hội xuất khẩu và thúc đẩy phân phối hơn nhưng mặt khác, tạo nên sức ép cạnh tranh trong bối cảnh nhiều quốc gia trong Hiệp định có cùng cơ cấu sản phẩm, nhưng năng lực cạnh tranh lại cao hơn.

Theo ông Gijae - Giám đốc điều hành Amazon Selling Việt Nam, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online bởi những lợi thế sẵn có như: chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ. Để phát huy được lợi thế, đưa thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững và cất cánh, trước tiên, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ... Quản lý chặt chẽ hoạt động này giúp ứng phó hiệu quả với các thách thức, góp phần ổn định an ninh kinh tế, từ đó, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.

Mặt khác, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước gia nhập sân chơi kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý. Bởi mô hình và các hoạt động của thương mại điện tử liên tục thay đổi nên hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật rất cần được điều chỉnh kịp thời, để phù hợp và theo kịp thực tiễn phát triển của thế giới. Song song với hoàn thiện hệ thống pháp lý, đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng cho thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực số với đầy đủ kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ... là những giải pháp không thể thiếu trong phát triển xuất khẩu xuyên biên giới.

Ngoài ra, không thể không nhấn mạnh đến nội lực và nỗ lực của các doanh nghiệp. Khi tham gia thị trường xuất khẩu online, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như các quy định về pháp lý liên quan nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, bảo đảm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, kiến thức về marketing; xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp tham gia thị trường này cho thấy, cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nhập khẩu.