Thực hiện nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái

Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường và không gian mạng ngày một phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh QUANG THÁI)
Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh QUANG THÁI)

Thực trạng này đặt ra yêu cầu, các ngành chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, để lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn TMĐT, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, TMĐT giúp nhà sản xuất phát triển thị phần hiệu quả hơn, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm trong và ngoài nước theo nhu cầu. Song bên cạnh mặt tích cực là câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch TMĐT gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 6/3 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) tuyên phạt bị cáo Hà Bảo Châu 7 năm 6 tháng tù về tội sản xuất, mua bán hàng giả. Các bị cáo Nguyễn Vinh Quang và Đỗ Quang Hải đều ngụ quận Bình Tân cùng lĩnh 7 năm 3 tháng tù về tội buôn bán hàng giả.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2021, Châu liên hệ Hải mua vỏ mũ bảo hiểm (MBH) có chữ “Nón Sơn” và logo trên vỏ nón các loại với giá từ 9.000-16.000 đồng/cái.

Sau đó, đối tượng mua thêm các nguyên liệu trôi nổi trên thị trường như: xốp đã được ép khuôn giống như vỏ mũ bảo hiểm, dây nón, miếng lót trong nón, khóa gài nón, mỏ nón, nút đóng nón, tem… để chuẩn bị cho quy trình “sản xuất” thành phẩm. Châu thực hiện thêm một số công đoạn nữa là đã cho ra chiếc MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn.

Mỗi tháng, Châu sản xuất được khoảng 400-500 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn rồi giao cho Quang bán ra thị trường với giá dao động từ 20.000 đến 65.000 đồng/cái tùy loại.

Tính đến thời điểm bị bắt, Châu đã bán cho Quang khoảng 1.500 MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn, thu lợi bất chính khoảng 6 triệu đồng. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Đại diện Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cho rằng, thiệt hại mà các bị cáo gây ra cho Công ty Nón Sơn không thể tính giá trị bằng tiền, bởi hành vi của các bị cáo đã khiến công ty mất uy tín nghiêm trọng đối với khách hàng.

Thực tế, trên thị trường ngoài các mặt hàng sản xuất trong nước bị làm giả, làm nhái, một số trang TMĐT có tên tuổi cũng công khai bán hàng giả. Chẳng hạn, túi xách thương hiệu Chanel, LV, Dior… có giá chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, trong khi hàng chính hãng lên tới hàng trăm triệu đồng. Không chỉ bán hàng kém chất lượng, nhiều trang mạng còn sử dụng đủ chiêu trò lừa gạt người mua.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Nguyễn Đức Lê, thì: Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa về nội địa tiêu thụ.

Trên không gian mạng, đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả, sau đó xóa chứng cứ rất nhanh. Khó khăn lớn nhất đến từ việc các trang thông tin giả, sàn TMĐT, trang mạng xã hội Facebook, Zalo… nở rộ, bán hàng thật chung với hàng giả.

Mặc dù pháp luật đã có các quy định điều chỉnh, đồng thời mức xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái cũng mạnh hơn, nhưng vẫn chưa đủ tính răn đe do lợi nhuận từ hành vi nêu trên rất lớn, cho nên các đối tượng vẫn triệt để lợi dụng.

Trước thực trạng này, cùng với cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chủ sàn TMĐT cần tăng cường các giải pháp để “tự bảo vệ mình” thông qua việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả, ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem bao bì, sử dụng mã QR và SMS.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hồng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) cho biết, CHG chuyên sản xuất tem chống hàng giả, và các giải pháp chống hàng giả áp dụng nền tảng số với hơn 15 năm trong công tác bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam.

Đã có nhiều trường hợp các cơ quan chức năng phát hiện hành vi về hàng giả, hàng nhái nhờ vào sản phẩm có dán tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc tích hợp chống giả. Cũng thông qua tem chống hàng giả, Công ty Vina CHG phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, trong đó có không ít thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng.

Nhiều vụ việc được phát hiện khi lần theo dấu vết của con tem, hoặc thấy tem dán lên sản phẩm sau khi giám định là tem giả, tem lậu. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tý cho rằng, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái bán tràn lan và có tính chất phức tạp như hiện nay, cùng với việc nâng cao mức xử phạt, khởi tố hình sự các vụ án nghiêm trọng để răn đe, các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ trong chia sẻ thông tin, đặc biệt là doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng của mình.

Để đối phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Cùng với giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.

Bởi hiện nay, tuy các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.

Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái, góp phần thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.