Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, khai báo gian lận để buôn lậu, trốn thuế vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng hóa tiếp tục tập kết tại các kho hàng, bến bãi. Việc vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ… phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, logistics.
Phát hiện nhiều lô hàng “khủng”
Thời đại công nghệ số cho nên các đối tượng sử dụng thương mại điện tử, thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng. Cụ thể, ngày 6/4, Ðội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ðội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, Ðội Cảnh sát kinh tế Công an Quận 12 kiểm tra điểm kinh doanh Trung tâm khu vực 3, Công ty TNHH Một thành viên Logistics Viettel, địa chỉ số 2 Bis, khu Z11, quốc lộ 1A, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa ngoại nhập các loại chưa qua sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, gồm: 6.877 điếu xì gà ngoại nhập; 74.400 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em ngoại nhập các loại, không có dấu hợp quy CR, không có tài liệu chất lượng hàng hóa kèm theo; 700 hộp thực phẩm bổ sung hiệu Bitney Multi Juice, xuất xứ Malaysia; sáu chai rượu hiệu Johnnie Walker Blue Label, xuất xứ Scotland.
Toàn bộ hàng hóa nêu trên chưa xác định được chủ sở hữu, chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Lực lượng quản lý thị trường đang tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 4/4, Ðội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) tiến hành kiểm tra hai chi nhánh của Công ty TNHH Ðầu tư phát triển xây dựng ANT tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thanh An làm Giám đốc, đã phát hiện hai kho chứa hàng hóa ngoại nhập vi phạm, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Tại kho hàng chi nhánh 1 (địa chỉ số 47/2 Thới Tam Thôn 13, ấp Tam Ðông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) đoàn kiểm tra phát hiện hơn 4.100m2 tấm lợp lấy sáng Polycarbonate các loại, sản xuất tại Malaysia, chưa qua sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở này chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết hơn 742 triệu đồng. Tiếp tục kiểm tra kho hàng tại chi nhánh 3 (địa chỉ số 81 đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn), đoàn kiểm tra phát hiện hơn 6.300m2 tấm lợp, trị giá trên 1,1 tỷ đồng cũng có vi phạm tương tự như trên.
Lực lượng quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiêu hủy lô hàng thuốc lá nhập lậu. (Ảnh Cục QLTT) |
Mạnh tay truy quét hàng lậu
Trong quý I/2023, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 714 vụ (tăng 436 vụ, tăng 156,83% so với cùng kỳ năm 2022); xử lý 684 vụ; tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 719 vụ, thu nộp vào ngân sách hơn 16 tỷ đồng (tăng hơn 167% so với cùng kỳ năm trước). Lực lượng chức năng đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 11 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 94,5 tỷ đồng.
Ðặc biệt, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự ba vụ. Nhận định về nguyên nhân số vụ xử lý tăng cao so với trước, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, quý I/2023 rơi vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh.
Ngoài các mặt hàng thiết yếu và lương thực, thực phẩm, nhu cầu mua sắm sản phẩm trang trí, quà biếu và các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm cũng tăng cao. Các đối tượng vi phạm hoạt động mạnh; lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Cục Quản lý thị trường thành phố chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm nên việc kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, đúng trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðối với hàng nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 201 vụ, tạm giữ 254.335 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô-tô, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng gia dụng… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm, trị giá ước tính hơn 7,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã kiểm tra, xử lý 262 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 322.616 đơn vị sản phẩm đồ dùng cá nhân, hóa chất, mỹ phẩm, quần áo, linh kiện điện tử, thực phẩm, dụng cụ y tế, vải, mắt kính… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7,4 tỷ đồng. Ngoài mặt hàng thuốc lá điếu, các đội quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuốc lá thế hệ mới cả trên thị trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Cụ thể đã kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm, tạm giữ 1.298 bao thuốc lá điếu và 2.011 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 437 triệu đồng.
Ðối với hàng hóa là thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 94 vụ vi phạm, tạm giữ 79.014 sản phẩm các loại, chủ yếu là bánh kẹo, rượu, bia, sữa, thực phẩm bao gói sẵn, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2,5 tỷ đồng. Riêng mặt hàng đường cát, đã kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm, hàng hóa tạm giữ hơn 61 tấn đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phó Cục trưởng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Ðạt cho biết: Tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Nguy cơ này càng cao khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… tăng lên ở hầu hết các nhóm hàng hóa”.
Dùng chiêu thức “lách” kiểm tra, các đối tượng tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng nên rất khó xác định được người vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, việc giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính; tuy nhiên, do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn dẫn đến nhiều trường hợp tái phạm.
Theo kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 của Cục Quản lý thị trường thành phố, bên cạnh lực lượng chính là các đội quản lý thị trường quản lý địa bàn, các đội quản lý thị trường cơ động sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đột xuất, đồng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm thương mại truyền thống và trên nền tảng số có quy mô lớn, liên quận/huyện, liên tỉnh... Sau đó, kết quả kiểm tra, xử lý sẽ được thông tin tới các đội quản lý thị trường quản lý địa bàn để cập nhật.
Cục Quản lý thị trường thành phố đề ra mục tiêu năm 2023, tất cả cơ sở kinh doanh vi phạm trong năm 2022 về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tái phạm; tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử ký cam kết không bày bán công khai các mặt hàng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tất cả cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến phố du lịch không bày bán công khai mặt hàng giả, hàng lậu; 60% số tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng lậu.