Đồng chí Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Trung tâm Khuyến nông, hơn 100 thành viên tổ khuyến nông cộng đồng tiêu biểu các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai dự hội nghị.
Thông tin về kết quả triển khai Đề án khuyến nông cộng đồng, giai đoạn 2022-2025, lãnh đạo Trung tâm khuyến nông quốc gia, cho biết: Sau hai năm triển khai, Đề án Khuyến nông cộng đồng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông
Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với 47.293 thành viên. Tại tỉnh Điện Biên có 115 xã thành lập, duy trì hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng (100% xã); tỉnh Sơn La có 164 tổ khuyến nông cộng đồng...
Thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng tiêu biểu trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Điện Biên. |
Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hợp tác xã, doanh nghiệp...), đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Tuy hoạt động không chế độ, không phụ cấp và hầu hết thành viên tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương là kiêm nhiệm, song bằng trách nhiệm với nông dân hầu hết thành viên đều tích cực tham gia hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn.
Điển hình cho hoạt động hiệu quả, có các mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối nông dân, hợp tác xã với Công ty DOVECO Sơn La tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu; kết nối với công ty Bảo Lâm tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Quỳnh Nhai; kết nối với thương lái tại các điểm du lịch thu mua tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Mộc Châu và kết nối với Công ty Nafoods Gia Lai tiêu thụ trên 100 tấn chanh leo.
Tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Hoà Bình đã liên kết, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm ớt, chanh dây, hỗ trợ sản xuất và thu mua sản phẩm mía tím phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng hợp đồng để giảm thiểu rủi ro, bảo đảm cho quá trình liên kết trong chuỗi sản xuất thành công.
Tại tỉnh Kon Tum, các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà-phê bền vững theo bộ quy tắc 4C và liên kết sản xuất với doanh nghiệp có sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn; phối hợp triển khai chương trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum…
Với các kết quả cụ thể đạt được, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng thời gian qua góp phần thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông, củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông; đồng thời giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu, nông dân đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường; khẳng định vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hoạt động khuyến nông.