Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, mục tiêu chuyển đổi số tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột trong mục tiêu chuyển đổi số quốc gia là: Chính quyền số nhằm ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa nền hành chính của Bộ, cung cấp dịch vụ công; tạo điều kiện để có các chính sách, quyết định chính xác, phù hợp, hiệu quả.
Kinh tế số nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ số để phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; xây dựng sàn thương mại điện tử nông sản; quản lý chuỗi cung ứng nông sản; gia tăng chất lượng, giá trị nông sản; tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nông thôn, nông dân số: Ứng dụng công nghệ số để xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển.
Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số đang được thực hiện trong các lĩnh vực như: Trồng trọt với cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng; công nghệ IoT, Big Data, AI đã được ứng dụng để quản lý, phân tích môi trường, chủng loại, giai đoạn phát triển của cây phục vụ việc truy xuất nguồn gốc và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây theo thời gian thực.
Lĩnh vực chăn nuôi với công nghệ IoT, sinh học, blockchain được ứng dụng rộng rãi trong các trang trại chăn nuôi; lĩnh vực lâm nghiệp với công nghệ GIS và ảnh viễn thám được sử dụng để giám sát, theo dõi diễn biến rừng, mất rừng, suy thoái rừng và phát hiện sớm, cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ sinh.
Trong kết nối chuỗi giá trị, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị…
Tuy nhiên, chuyển đổi số ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn do nhận thức và chọn hướng đi đúng về chuyển đổi số của chính quyền, người dân và doanh nghiệp còn đang lúng túng, chưa đầy đủ… nhất là hợp tác xã, hộ nông dân; thiếu cơ sở dữ liệu lớn về ngành nông nghiệp; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp còn rời rạc, thiếu kết nối, tích hợp và chia sẻ với nhau.
Với lực lượng khuyến nông hơn 40.000 người thì làm thế nào để tạo được không gian chuyển đổi số thống nhất trong toàn hệ thống. Vì vậy rất cần chiến lược tổng thể bắt đầu từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia để kết nối với trung tâm khuyến nông các địa phương.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh
Hơn nữa, sản xuất, canh tác nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.
Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, làm thế nào để chuyển đổi số quốc gia thành công thì các ngành, đơn vị cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã bắt tay vào xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Trung tâm quan niệm sẽ tạo được hệ sinh thái chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông trên toàn quốc.
“Với lực lượng khuyến nông hơn 40.000 người thì làm thế nào để tạo được không gian chuyển đổi số thống nhất trong toàn hệ thống. Vì vậy rất cần chiến lược tổng thể bắt đầu từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia để kết nối với trung tâm khuyến nông các địa phương. Từ đó hình thành phương pháp tiếp cận mới trong chuyển đổi số của hệ thống khuyến nông. Khi thực hiện được khuyến nông số sẽ giúp đồng hành cùng nông dân trong chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp…”, ông Lê Quốc Thanh cho biết thêm.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo khuyến nông đô thị với chủ đề phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, hướng đi bền vững.