Ngành khuyến nông Sơn La góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Sơn La luôn tiên phong trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, qua đó đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn đồng bào H’Mông xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cải tạo cây chè shan tuyết.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn đồng bào H’Mông xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cải tạo cây chè shan tuyết.

Ra đời, gắn bó cùng chương trình "Tam nông", trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng sứ mệnh vì nền nông nghiệp, vì nông dân, nông thôn vẫn luôn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong hành trình mấy chục năm qua của ngành khuyến nông Sơn La. Con đường phát triển của ngành khuyến nông Sơn La luôn gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp tỉnh từ việc bảo đảm an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một địa phương có vựa trái cây lớn nhất miền bắc.

Hiện nay Sơn La có diện tích 84.160 ha cây ăn quả và cây sơn tra; cà-phê Arabica lớn nhất cả nước với hơn 20.000 ha cùng nhiều loại nông sản có diện tích, sản lượng lớn như 5.235 ha chè, 9.259 ha mía, 42.537 ha ngô, hơn 15.300 ha sắn... Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục khởi sắc; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, trong đó giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD.

Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương, ngành khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện 108 loại mô hình khuyến nông, với hơn 80 nghìn hộ nông dân tham gia thực hiện, có 41.683 lượt nông dân được tập huấn, hưởng lợi.

Tiêu biểu như các mô hình liên kết sản xuất ngô, sắn bền vững trên đất dốc; thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn (GAP cơ bản) và mô hình rau trái vụ. Về cây ăn quả, đã chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả nhãn, xoài, bưởi, quýt; thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn giống chín sớm nhằm rải vụ thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; chuỗi giá trị chuối Yên Châu; trồng và thâm canh cải tạo quýt Chiềng Cọ.

Về cây công nghiệp, thực hiện thành công 10 loại mô hình khuyến nông về cây cà-phê, cây mía, cây chè với quy mô hơn 300 ha, 914 hộ tham gia, 1.315 lượt người được tập huấn, hưởng lợi. Về thủy sản, thực hiện thành công mô hình nuôi cá rô phi luân canh lúa-cá; cá lồng bè, cá lồng hồ chứa, cá ao...

Khuyến nông Sơn La cũng đã thực hiện thành công 27 mô hình khuyến nông chăn nuôi, với tổng số 47.401 hộ tham gia, 5.663 lượt người được tập huấn, hưởng lợi. Điển hình là các mô hình nuôi gia cầm sinh sản gắn với máy ấp trứng; nuôi lợn đực giống ngoại; nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men; nuôi lợn nái móng cái và lợn sinh sản hướng nạc...

Về mô hình khuyến công, đã đưa các loại máy gặt đập liên hợp, làm đất đa năng, tưới ẩm cho mía, sấy nông sản, băm thân cây cỏ, ngô, sấy năng lượng mặt trời vào đời sống sản xuất của nông dân, nhằm giải phóng sức lao động cho nông dân...

Chị Thào Thị Dụ (bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên) cho biết: "Gia đình tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc, không dùng phân hóa học để bón, chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây chè quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Vì vậy, cây chè phục hồi nhanh, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Với hơn 5.000 m2 chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt hơn hai tấn/năm, thu gần 100 triệu đồng mỗi năm".

Việc hợp tác quốc tế cũng được ngành khuyến nông Sơn La coi trọng, tổ chức thực hiện có hiệu quả với hơn 11 nghìn hộ nông dân được tham gia, hưởng lợi từ các dự án. Thông qua các dự án quốc tế, khuyến nông Sơn La còn có cơ hội học tập, tiếp cận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới của thế giới và trong khu vực, kịp thời nhận diện và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa nền nông nghiệp Sơn La phát triển theo xu thế trong nước, hội nhập với nông nghiệp khu vực và thế giới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ cho biết: Các mô hình khuyến nông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy lợi thế của từng vùng, từng vụ; đồng thời là nơi để nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2012 và Dự án "Chương trình khí sinh học" giai đoạn 2014-2017, khuyến nông Sơn La đã triển khai và thực hiện rất tốt, được người nông dân tiếp nhận, hưởng ứng tích cực và từng bước được nhân rộng.

Qua thời gian triển khai thực hiện, các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang thúc đẩy sản xuất các loại nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của từng vùng, từng địa phương phát triển theo hướng hàng hóa, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại các huyện nghèo, vùng tái định cư, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số khó tiếp cận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới.

Từ đó, góp phần hướng đến mục tiêu đến năm 2045: Nông nghiệp Sơn La trở thành nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị cao, gắn kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, chú trọng công nghệ chế biến, bảo quản, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp xanh, bền vững.