Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, tâm lý người chăn nuôi, khiến họ e dè với việc tái đàn hoặc tăng đàn nuôi, trong khi nhu cầu thực phẩm dịp cận Tết Nguyên đán lại đang tăng từng ngày.
Thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi tại địa phương từ đầu năm đến nay, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Từ ngày 1/1 đến nay, bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi của 331 gia đình tại 109 thôn, bản thuộc 33 xã trong địa bàn tám huyện, thị xã, thành phố, gồm: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa.
Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 1.386 con với trọng lượng hơn 68 tấn. So với tình hình dịch bệnh các năm trước (khoảng từ năm 2019 đến nay), cơ quan chức năng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi tại Điện Biên đã giảm hơn về số lượng ổ dịch, số lượng và trọng lượng vật nuôi phải tiêu hủy.
Tại huyện Điện Biên - địa bàn trọng điểm chăn nuôi của tỉnh với nhiều thuận lợi hơn các huyện khác, song từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên đàn vật nuôi của một số gia đình ở các xã vùng lòng chảo, gồm: Thanh Luông, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Yên làm chết hơn 120 con lợn, tổng trọng lượng tiêu hủy 7,4 tấn. Sau đó, bệnh dịch lại tiếp tục lan sang các xã Mường Pồn, Thanh Nưa…
Ở huyện biên giới Nậm Pồ, khoảng đầu tháng 9 bắt đầu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi của một số gia đình ở bản Sín Chải, xã Nà Hỳ. Đến ngày 25/9, chính quyền xã Nà Hỳ đã ghi nhận 22 con lợn, tổng trọng lượng 571 kg bị mắc bệnh phải tiêu hủy.
Trong khoảng 10 ngày từ đầu tháng 11 trở lại đây, dịch tả lợn châu Phi đã lan sang xã Chà Cang, Pa Tần… Thực trạng này đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ chăn nuôi và ảnh hưởng tâm lý người nuôi các khu vực lân cận.
Bà Nguyễn Thị Nhạn, thôn Thanh Bình A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết: Trong khoảng đầu tháng 4 vừa qua, gia đình tôi có 10 con lợn gồm tám con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng (mỗi con khoảng 90 kg) và hai con lợn nái đang sắp đẻ đã bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau phát hiện lợn bị mắc bệnh, chết, gia đình tôi đã báo với chính quyền xã để tiến hành xác minh, kiểm đếm và tiêu hủy theo quy định. Thiệt hại do bệnh tả lợn châu Phi với gia đình ước khoảng 60 triệu đồng.
Cùng thời điểm phát hiện lợn mắc bệnh như gia đình bà Nhạn, toàn xã Thanh Luông đã ghi nhận 10/18 thôn, bản xuất hiện lợn ốm, chết. Ông Tòng Văn Suôn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Luông cho biết, thống kê sơ bộ tại thời điểm ngày 31/5, toàn xã đã ghi nhận tình trạng bệnh trên đàn lợn của các gia đình ở 10/18 thôn, bản; tổng trọng lượng lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy khoảng 4,7 tấn; thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Ý thức được nguy hại, ảnh hưởng do dịch bệnh, ngay khi phát hiện bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương, trước là các hộ chăn nuôi và sau nữa là chính quyền địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ bệnh lan rộng trên đàn vật nuôi chung quanh. Bà Nguyễn Thị Nhạn cho biết thêm: Khi phát hiện có lợn ốm, gia đình tôi đã khẩn trương báo cáo xã và thực hiện ngay hướng dẫn của cán bộ thú y xã là mua vaccine về tiêm phòng cho các con khỏe; đồng thời gia đình thực hiện vệ sinh chuồng trại hai lần mỗi ngày và rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng quanh khu vực vuôi…
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ cho biết: Để khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, huyện đã chỉ đạo tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh; khẩn trương lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn; khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và bố trí kinh phí mua vật tư chống dịch (hóa chất, vôi bột, bạt, nhân công, phương tiện tiêu hủy, trang bị bảo hộ)…
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện giao các xã, phòng chuyên môn rà soát tổng số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, đặc biệt tại bản đã có dịch để tránh tình trạng khai báo không trung thực nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ. Riêng đối với xã Nà Hỳ, huyện đã chỉ đạo thành lập ngay chốt kiểm dịch tạm thời để bao vây, khống chế ổ dịch. Bố trí lực lượng thường trực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.
Đặc biệt, đối với hoạt động giết mổ, mua bán sản phẩm lợn tại chợ Nà Hỳ, yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Nà Hỳ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 26 và khoản 1, Điều 27 Luật Thú y ngày 19/6/2015; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân hiểu tính chất nguy hiểm của bệnh, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh…
Với sự vào cuộc chủ động của người chăn nuôi, chính quyền các địa phương, trong khoảng 10 ngày qua, tình hình dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Điện Biên đã bắt đầu có chiều hướng giảm. Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Điện Biên cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nỗ lực của các địa phương, đến nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong vòng kiểm soát; công tác khoanh vùng, khống chế dịch có chuyển biến và hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, 10 ngày qua, toàn tỉnh có 24/33 xã (chiếm 72,72%) đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.
Tuy nhiên, địa phương vẫn xác định còn ổ dịch, tức là tình hình dịch bệnh sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động phát hiện sớm và có giải pháp xử lý ổ dịch kịp thời. Với các huyện đã phát hiện tình trạng dịch tả lợn châu Phi thì phải quyết liệt chỉ đạo các biện pháp khống chế, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch mới.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi gây ra, hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh đang nghiên cứu phương án công bố dịch ở phạm vi cấp xã, thôn, bản để hạn chế thiệt hại đối với người chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi lợn nói chung.