Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Những sản phẩm nông nghiệp OCOP được giới thiệu tại hội chợ du lịch.
Những sản phẩm nông nghiệp OCOP được giới thiệu tại hội chợ du lịch.

Nhiệm vụ thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2025 gồm các nội dung như tổ chức khảo sát, đánh giá theo nhu cầu đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan; nâng cao nhận thức về vai trò, mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch thông qua các hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội nghị, hội thảo, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp; hỗ trợ các cơ sở sản xuất về máy móc, thiết bị thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, làm thay đổi tập tính canh tác thủ công.

Trước đó, tỉnh đã có Quyết định số 2926/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024 trên địa bàn các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và thành phố Bà Rịa.

Tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện 10 mô hình thuộc dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024. Trong đó, trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 mô hình, gồm: cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Sản xuất-dịch vụ nông nghiệp Bình Trung; cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Láng Lớn; cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP của Công ty trách nhiệm hữu hạn Duy Anh Bee; cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP của Cơ sở cà-phê Việt Yến Phát; cơ giới hóa, chế biến nông sản cho cây trồng chủ lực và sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần Binon cacao.

Trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh hỗ trợ 3 mô hình, gồm: cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh trà Lêkima; nhóm hộ xã Phước Long Thọ (cây ăn quả); cơ giới hóa, chế biến nông sản cho cây trồng chủ lực và sản phẩm OCOP (khoai mài) của hộ ông Đinh Công Trường. Tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP (nước mắm) của cơ sở Thiên Lộc...

Không những vậy, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chính sách hỗ trợ thành lập mới và củng cố tổ chức hợp tác xã. Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND (ngày 13/12/2020) của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần đáp ứng nhu cầu liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển ổn định, bền vững; giúp các hợp tác xã mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; giúp nông dân có thu nhập ổn định. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 494 tổ hợp tác và 195 hợp tác xã với 12.532 thành viên; trong đó, có 18 hợp tác xã nông nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Việc áp dụng công nghệ và xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho hợp tác xã, mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 4.800 lao động ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đều phối hợp các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho đông đảo hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhờ đó, trình độ sản xuất, kinh nghiệm của hội viên, nông dân ngày càng được nâng lên; góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng cùng giá trị sản phẩm đều tăng lên.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển tốt, bền vững hơn, đời sống của người nông dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cấp Hội Nông dân cần đổi mới hoạt động theo hướng sâu sát hơn với tình hình thực tế ở cơ sở. Hội Nông dân cần nắm bắt đầy đủ nguyện vọng của hội viên để tiếp sức và tạo nguồn lực cho hội viên, nông dân hăng hái, đam mê lao động, sáng tạo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Các cấp hội cần chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp các sở, ngành để hỗ trợ nông dân, hội viên phát triển sản xuất, đa dạng các ngành nghề; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ 4.0; hình thành các mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Các cấp hội cần tiếp tục phối hợp sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá thương hiệu, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, mở ra thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, các cấp hội cần làm tốt hơn nữa vai trò là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để chuyển giao, thực hiện đồng bộ tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; tạo thêm điều kiện cho nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở trong và ngoài tỉnh.