Khuyến học trên quê lúa Thái Bình

Những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Thái Bình có bước chuyển mình, góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học của người dân. Các cấp hội khuyến học bằng việc làm sinh động, cụ thể đang đóng góp tích cực trong đổi mới giáo dục tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trao quà tặng các em học giỏi vượt khó tại Giáo xứ Lạc Ðạo (thành phố Thái Bình).
Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trao quà tặng các em học giỏi vượt khó tại Giáo xứ Lạc Ðạo (thành phố Thái Bình).

Về thôn Cao Mại, xã Minh Quang (huyện Kiến Xương), chúng tôi thật sự ấn tượng với cách làm khuyến học của dòng họ Trần Xuân. Ðây là dòng họ có Ban Khuyến học từ rất sớm, ngay sau khi Hội Khuyến học huyện Kiến Xương được thành lập tháng 12/2001.

Ông Trần Xuân Nhật, Trưởng ban Khuyến học dòng họ cho biết: Chúng tôi xây dựng quy chế khuyến học và phát động toàn dòng họ với gần 300 nhân khẩu tham gia công tác này. Những bậc cao niên, có uy tín và thành đạt trong dòng họ Trần Xuân đã làm tốt việc động viên tư tưởng trong từng thành viên để có nhận thức đúng về học tập suốt đời và sự cần thiết phải xây dựng các mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và xây dựng xã hội học tập. Theo suy nghĩ của ông Nhật, khuyến học không phải điều gì cao xa, mà đơn giản là "cần gì học nấy".

Hiện nay, họ Trần Xuân có bản tiêu chí xây dựng "Dòng họ học tập", các gia đình trong dòng họ có bản đăng ký "Gia đình học tập". Hằng năm, vào dịp lễ Tổ (mồng 1 tháng Chạp), dòng họ đều đặn tổ chức bình xét gia đình "Học tập xuất sắc". Vào dịp Quốc khánh 2/9, dòng họ Trần Xuân tổ chức tổng kết năm học và trao thưởng cho con cháu có thành tích cao trong học tập. Những cháu được tặng giấy khen của các bậc học đều được dòng họ khen thưởng với mức cao nhất là 300 nghìn đồng cho cháu đỗ vào đại học. Cứ 5 năm một lần, dòng họ tổ chức lễ "Vinh quy bái Tổ" cho con cháu đỗ đại học về báo cáo trước Tổ đường.

Còn tại xã Trọng Quan, huyện Ðông Hưng, chúng tôi được nghe những chia sẻ rất tâm huyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phạm Sơn Hải về công tác khuyến học, khuyến tài. Từng có thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học ở địa phương, rồi hiện nay đảm đương thêm chức danh Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, hơn ai hết, ông Hải là người rất hiểu về hoạt động này ở cơ sở.

Trọng Quan là xã có bề dày trong khuyến học, khuyến tài khi đã hình thành dòng họ khuyến học đầu tiên ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, xã có 25 ban khuyến học dòng họ và bảy chi hội khuyến học của bảy thôn. Ngoài ra, có chi hội khuyến học thuộc tổ chức Công đoàn xã; sáu ban khuyến học ở các trường học và cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Qua nhiều năm huy động, đến nay nguồn quỹ khuyến học ở địa phương đã đạt gần 500 triệu đồng. Số kinh phí này được dành cho khen thưởng, động viên, khuyến khích học tập của tất cả mọi người, trong đó không chỉ biểu dương người học tốt mà còn hỗ trợ, đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Có mặt tại một buổi học của Trung tâm học tập cộng đồng xã Trọng Quan, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hào hứng, vui vẻ của người dân. Với chủ trương "Học để làm ngay, hiệu quả ngay", các chuyên đề được phổ biến, chia sẻ tại đây đều xuất phát từ những đăng ký, đề xuất trước đó. Nội dung chính là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chuyên đề về giáo dục, pháp luật… Riêng năm nay, Trung tâm học tập cộng đồng xã Trọng Quan đã thu hút hơn 5.400 lượt người tham dự, trong đó Trung tâm đã phối hợp Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình thực hiện sáu chuyên đề khoa học, với hơn 550 học viên học tập thuộc các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình cho hay, về bản chất khuyến học chính là để nâng cao dân trí. Hiện nay, các khái niệm như "Học tập suốt đời" hay "Học không bao giờ cùng" đều gắn chặt với nền kinh tế phát triển, nhất là đối với nền kinh tế tri thức. Sống trong môi trường đó, mọi người đều phải có một định lượng kiến thức nhất định và phải học tập không ngừng nghỉ. Chia sẻ với chúng tôi về sự học thành tài ở địa phương, ông Hiền nhắc đến nghị lực vượt khó rất đáng khâm phục của Anh hùng Lao động, lương y Ðào Viết Thoàn ở thôn Ðồng Ấu, xã An Quý (huyện Quỳnh Phụ). Ông là một trong số các tác giả vừa được vinh danh tại Giải thưởng Nhân tài Ðất Việt năm 2023 ở lĩnh vực khuyến học, tự học thành tài.

Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng bằng sự tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, ông Thoàn đã có nhiều sản phẩm, bài thuốc chữa bỏng đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật toàn quốc. Trong 35 năm qua, bằng phương pháp điều trị mới, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, ông đã điều trị cho hơn 33 nghìn lượt bệnh nhân trong cả nước và miễn tiền công, tiền thuốc cho hơn 4.300 bệnh nhân là đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi… Các sáng kiến của Lương y Ðào Viết Thoàn hiện được áp dụng điều trị tại nhiều địa phương trên cả nước.

Thái Bình trong những năm qua là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội khuyến học các cấp không ngừng được củng cố và phát triển; chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Qua kiểm tra, đánh giá công nhận đạt danh hiệu của các mô hình học tập năm 2023: Có 317.020/1.196.304 tổng số công dân, bằng 26,5% số công dân đạt danh hiệu Công dân học tập; 381.123/581.141 tổng số gia đình, bằng 65,6% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập; 4.581/7.486 tổng số dòng họ, bằng 61,2% số dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập; 1.377/1.810 tổng số cộng đồng, bằng 76,1% số cộng đồng đạt danh hiệu Cộng đồng học tập; 947/1.220 tổng số đơn vị, bằng 77,6% số đơn vị đạt danh hiệu Ðơn vị học tập và 260/260 tổng số xã, phường, thị trấn, bằng 100% số cộng đồng học tập cấp xã, phường, thị trấn.

Với sự nỗ lực của các cấp hội, sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân, đến nay quỹ khuyến học toàn tỉnh Thái Bình đã đạt hơn 163 tỷ đồng. Ðây là nguồn lực không nhỏ để kịp thời hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng những tấm gương học giỏi, những phận đời éo le, khó khăn nhưng quyết tâm học tập không ngừng.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, phương châm của Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình thời gian tới là làm thật tốt công tác tuyên truyền, công tác dân vận trong hoạt động khuyến học; nói có người nghe, vận động có người thực hiện, đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào quy củ, chuyên nghiệp và chất lượng tốt hơn.