Tăng cường hợp tác giữa EU với Mỹ Latin và Caribe

Những khó khăn chung về nguồn cung nhiên liệu hiện nay trên thế giới đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) phải tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó khu vực Mỹ Latin và Caribe nổi lên như một trong những nhà cung cấp năng lượng sạch giàu tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Brazil Lula da Silva tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh EFE)
Tổng thống Brazil Lula da Silva tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh EFE)

Giữa tháng 6 vừa qua, Argentina và EU ký biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy hợp tác về chuỗi giá trị nguyên liệu thô mang tính bền vững, trong đó có lithium. Argentina hiện là nhà sản xuất lithium lớn thứ 4 thế giới. Theo đại diện của EU, nhu cầu về lithium đang tăng đáng kể trên phạm vi toàn cầu, đây là cơ hội để Argentina phát triển và mở rộng lĩnh vực, đồng thời tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tạo thêm nhiều việc làm.

Bên cạnh đó, MoU giữa Argentina và EU cũng đem lại lợi ích lớn cho EU, trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang cần bảo đảm nguồn cung năng lượng sạch. Argentina, Chile và Bolivia được xem như “tam giác lithium” ở Nam Mỹ, khu vực hiện có trữ lượng kim loại này lớn nhất thế giới.

EU và Argentina ký kết MoU trong bối cảnh EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đang thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do (FTA), sau khi hai bên đồng thuận về mặt nguyên tắc vào năm 2019, tròn 20 năm kể từ khi khởi động đàm phán. Tuy vậy, quá trình phê chuẩn thỏa thuận tại 27 quốc gia châu Âu bị đình trệ, do những lo ngại từ phía EU về hoạt động bảo vệ môi trường ở các nước thành viên Mercosur, nhất là nạn chặt, phá rừng ở Amazon. EU đã đề xuất bổ sung các điều khoản phụ về bảo vệ môi trường, cùng với đó là cam kết quyên góp 20 triệu euro cho Quỹ Amazon, một sáng kiến quan trọng bảo vệ rừng nhiệt đới của Tổng thống Brazil Lula da Silva (L.Xin-va).

Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh, EU và Mercosur là đối tác chiến lược, do đó hai bên cần hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung. Dù lo ngại những yêu cầu bổ sung của EU có thể tiềm ẩn những hạn chế đối với xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp của Brazil, song Tổng thống Lula da Silva tin tưởng các thành viên Mercosur có thể thống nhất quan điểm để sớm đưa ra phản hồi đối với các yêu cầu mới về môi trường của EU, với mục đích sớm ký kết một FTA có lợi cho cả hai bên.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en), các nguồn lực của EU sẽ tập trung vào hỗ trợ quản lý rừng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch ở một số quốc gia Mỹ Latin. EU dự kiến phân bổ 430 triệu euro để thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Amazon, 2 tỷ euro cho các dự án sản xuất hydro xanh ở Brazil, cũng như hỗ trợ nguồn lực để xây dựng ba cảng vận chuyển năng lượng sạch này xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là các quốc gia châu Âu. Việc có được đối tác đáng tin cậy tại Nam Mỹ sẽ giúp EU bảo đảm hoàn thành mục tiêu nhập khẩu 10 triệu tấn hydro tái tạo mỗi năm vào năm 2030.

Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng chung Cuba-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 3, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell (G.Bô-reo) nhấn mạnh, EU vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Cuba, luôn trung thành cam kết tôn trọng lẫn nhau bất chấp các lệnh cấm vận nước ngoài chống lại Cuba. Ông cũng cho biết, EU là nguồn khách du lịch lớn thứ hai của Cuba, chỉ sau Canada.

EU cũng là đối tác thương mại chính của Cuba, chiếm khoảng 30% kim ngạch, xuất nhập khẩu của Cuba, cao hơn hẳn so các đối tác khác như Trung Quốc (8%) hay Nga (8%). Dịp này, đại diện EU cũng công bố quỹ 14 triệu euro nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ ở Cuba, dấu hiệu cho thấy EU mong muốn hỗ trợ Cuba trong quá trình cải cách kinh tế và xã hội trong mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau.

EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latin và Caribe, với gần 300 tỷ euro giá trị thương mại song phương giữa hai khu vực trong năm 2022. EU hiện đang triển khai khoản đầu tư kéo dài tới năm 2027 vào khu vực Mỹ Latin và Caribe, dự kiến trị giá khoảng 10 tỷ euro. Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Global Gateway, một sáng kiến của EC nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực Mỹ Latin và Caribe, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương.