Iran nâng tầm quan hệ với Mỹ latin

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đang có chuyến công du các nước Venezuela, Nicaragua và Cuba. Với hàng loạt văn bản hợp tác được ký kết, Tehran kỳ vọng chuyến thăm góp phần nâng cấp quan hệ truyền thống giữa Iran với khu vực Mỹ latin lên tầm chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) gặp gỡ người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) gặp gỡ người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP

Tổng thống Raisi ngày 12/6 bắt đầu chuyến công du tới khu vực Mỹ latin, lần đầu kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2021. Tháp tùng ông Raisi là phái đoàn hùng hậu, gồm các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Dầu mỏ, Y tế và Văn hóa. Trong thông báo đăng trên trang mạng của Tổng thống Iran, ông Raisi mô tả quan hệ giữa Iran và các quốc gia độc lập ở Mỹ latin “có tính chiến lược”. Iran cùng Venezuela, Nicaragua và Cuba chia sẻ lập trường chung là phản đối “hệ thống thống trị” của phương Tây. Mục tiêu của chuyến thăm là gửi thông điệp “chống chủ nghĩa đơn phương” và nâng tầm quan hệ giữa Iran với Mỹ latin lên cấp độ chiến lược thật sự.

Bài viết trên tờ Tehran Times nhấn mạnh: Iran từ lâu đã nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Mỹ latin, khu vực có những điểm tương đồng lớn với Iran về chính trị và kinh tế. Iran là một trong những đồng minh chủ chốt của Venezuela trong những năm gần đây, hai bên ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học, quốc phòng, văn hóa, kinh tế... Trong hợp tác về năng lượng, Iran giúp sửa chữa các nhà máy lọc dầu của Venezuela, hỗ trợ Venezuela tăng sản xuất dầu và khí đốt. Năm 2022, nhân chuyến thăm Iran của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, hai nước ký thỏa thuận hợp tác với thời hạn 20 năm và đánh giá là văn kiện nâng quan hệ hai bên lên cấp độ chiến lược.

Iran cũng xác định Nicaragua và Cuba là những “đồng minh chính trị thân thiết”. Tháng 2 vừa qua, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Iran tới Mangua, Iran và Nicaragua ký một bản ghi nhớ về hợp tác và tham vấn chính trị. Trong chuyến thăm Iran của Phó Thủ tướng Cuba năm 2022, Iran và Cuba đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác về công nghệ và an ninh lương thực. Mới nhất, Iran và Cuba hợp tác tổ chức dây chuyền sản xuất vaccine phòng Covid-19 của Cuba tại Iran. Hiện Iran là quan sát viên của Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), tổ chức liên chính phủ các quốc gia Mỹ latin và Caribe về thúc đẩy hội nhập kinh tế, chính trị khu vực.

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Raisi thúc đẩy triển khai “chính sách láng giềng”, với mục tiêu cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, tăng cường quan hệ với các cường quốc ngoài phương Tây. Iran đã đạt bước tiến quan trọng trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực và các nước phương Đông. Tờ Tehran Times nêu rõ: Dưới thời chính quyền Tổng thống Raisi, Iran giành được tư cách thành viên đầy đủ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Quan hệ giữa Iran với Saudi Arabia được khôi phục sau bảy năm gián đoạn. Tehran đang nhắm tới hợp tác với khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi (BRICS) và nâng tầm chiến lược trong quan hệ với Mỹ latin. Iran chia sẻ quan điểm chính trị chung với Venezuela, Nicaragua và Cuba; các nền kinh tế Iran và ba nước có tính bổ sung lẫn nhau cao. Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để nâng quan hệ lên tầm mức cao mới.

Việc Tổng thống Raisi chọn thăm Venezuela, Nicaragua và Cuba trong chuyến công du Mỹ latin đầu tiên không phải ngẫu nhiên. Hãng tin IRNA của Iran nhận định: Giống Iran, các nước này cũng phải chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ. Trong kỷ nguyên của chủ nghĩa đa phương, Iran và ba nước đều phản đối gay gắt những “hành động đơn phương”. Chuyến thăm Mỹ latin của Tổng thống Raisi gửi thông điệp rõ ràng chống lại sự thống trị và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và phương Tây.

Tổng thống Raisi nhấn mạnh, cùng quan hệ hữu nghị về chính trị, trao đổi về kinh tế và thương mại, Iran và Mỹ latin cũng hợp tác tốt trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, khoa học - công nghệ và y học. Iran tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ latin, cũng như các nước láng giềng và các quốc gia thân thiện với Iran. Các mối quan hệ này góp phần định hình trật tự thế giới tốt đẹp và công bằng hơn.